Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND thành phố Hà Nội ra Công điện tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến ngày 23/8 này. Để đảm bảo nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm, các doanh nghiệp phân phối đã tăng lượng dự trữ hàng hoá. Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã có hơn 8.000 điểm bán hàng bình ổn và được Sở Công Thương niêm yết công khai và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, thổi giá, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Mặc dù Hà Nội có nhiều chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm thời đóng cửa, nhưng đại diện ngành Công Thương Hà Nội khẳng định, nguồn cung lương thực, thực phẩm vẫn được đảm bảo. Các doanh nghiệp phân phối tiếp tục tăng lượng dự trữ hàng hóa, đổi mới các hình thức kinh doanh, một số hệ thống phân phối đã mở thêm các điểm bán hàng thiết yếu.
Trong khi đó, ghi nhận tại một số chợ truyền thống như: chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), chợ Ngọc Lâm (quận Long Biên), chợ Thành Công (quận Ba Đình)… lượng hàng rau, củ, thịt, cá khá phong phú, song giá cả một số mặt hàng thực phẩm tươi sống và rau xanh có dấu hiệu tăng. Lý giải nguyên nhân này, hầu hết tiểu thương cho biết, giá rau tăng là do chợ đầu mối tạm đóng cửa, nguồn cung ít trong khi chi phí vận chuyển tăng…
“Tôi thấy hàng hóa không thiếu, mặc dù giá có tăng nhưng gia đình chi tiêu có tính toán nên cũng đã chủ động trong đợt giãn cách này”, chị Phương Vy, một người dân sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội, việc một số chợ đầu mối, chợ truyền thống phải đóng cửa khiến nguồn cung giảm, nhưng không ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa. Hà Nội sẽ sớm mở cửa trở lại các chợ này và sẵn sàng phương án xây dựng các điểm trung chuyển, tạo thuận lợi cho hàng hóa đưa vào thành phố.
Bà Trần Thị Phương Lan khẳng định, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các quận huyện, các doanh nghiệp, đơn vị phân phối... để triển khai các biện pháp nhằm điều phối hàng hóa, giữ ổn định giá cả thị trường. Ngoài hệ thống chợ dân sinh, thành phố tổ chức các điểm bán hàng bình ổn, điểm bán hàng lưu động, đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Bưu điện Hà Nội để tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân và bảo đảm phòng, chống dịch Covid 19.
“Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai thêm nhiều biện pháp như bố trí thêm các chợ, tiếp tục triển khai điểm bán hàng lưu động, điểm bán hàng bình ổn giá. Hiện nay, Hà Nội vẫn đảm bảo hàng hóa, do đó, người dân không phải tích trữ hàng hóa”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Sở Công Thương Thành phố Hà Nội đã công khai danh sách hơn 8.000 điểm bán hàng hóa thiết yếu tại các quận, huyện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty bán lẻ BRG cho biết, bên cạnh việc tiếp tục siết chặt quản lý phòng, chống dịch Covid-19, các siêu thị cũng chủ động, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp tại các địa phương, sẵn sàng cung cấp lượng hàng cần thiết khi siêu thị có nhu cầu. Hệ thống siêu thị BRG cam kết tối đa đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng.
“Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi quy trình, chúng tôi chú trọng hơn đầu tư kho cũng như phương tiện vận chuyển, để chủ động cung ứng hàng hóa. Bên cạnh đó, khai thác, tìm kiếm nguồn cung hàng hóa, chúng tôi chú trọng hơn nguồn cung tại địa phương, ví dụ, Hà Nội có những vùng sản xuất như: Đông Anh, Mê Linh, chúng tôi đã kết nối, hợp đồng từ trước. Chúng tôi cũng tăng cường kiểm soát dịch, đảm bảo an toàn hệ thống siêu thị”, ông Nguyễn Thái Dũng cho biết thêm.
Hiện nay, tình hình thị trường hàng hoá cung ứng tại Hà Nội tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa tại các hệ thống phân phối đa dạng, phong phú, không xảy ra thiếu hàng cục bộ. Sở Công Thương thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng thổi giá./.