Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố ghi nhận tổng số 1.556 ca mắc số xuất huyết, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022, chưa có ca tử vong. Kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy, một số tồn tại như xử lý chưa triệt để, chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tỷ lệ phun hóa chất chưa đạt yêu cầu... Kết quả giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại một số ổ dịch trong tuần qua cho thấy, chỉ số muỗi, bọ gậy (chỉ số BI) cao vượt ngưỡng.
CDC Hà Nội dự báo, thời gian tới, số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp. Các ổ dịch phức tạp vẫn đang được giám sát chặt chẽ, xử lý tích cực.
Đến nay, tất cả các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đều đã ghi nhận các ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, quận Hoàng Mai là nơi đang ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất. Hoàng Mai là điểm nóng về dịch sốt xuất huyết bởi đây là địa bàn đông dân cư, người dân từ các nơi đến sinh sống nhiều, các hình thức thuê trọ, nhiều nhà chung cư đông dân… cách sinh sống của người dân từ nhiều nơi đến cũng đa dạng, phức tạp, ảnh hưởng đến nhận thức của người dân trong phòng chống dịch. Việc nâng cao nhận thức của người dân trong phòng dịch sốt xuất huyết cũng cần được nâng cao hơn nữa.
Ông Lê Đức Thọ, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai cho biết: “Trong những tuần gần đây, dịch sốt xuất huyết có sự gia tăng hơn so với giai đoạn tháng 5, tháng 6; tập trung nhiều ở một số phường trọng điểm về sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận đã ghi nhận khoảng 107 ca mắc sốt xuất huyết; tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái”.
Cũng theo ông Lê Đức Thọ, dịch sốt xuất huyết gia tăng thời điểm này phù hợp với chu kỳ dịch hàng năm là thường bùng phát vào tháng 6, tháng 7, cao điểm vào tháng 8, tháng 10. Chu kỳ của dịch sốt xuất huyết thường là 5 năm bùng phát, nhưng diễn biến của dịch sẽ còn tuỳ thuộc theo nhiều yếu tố như: Thời tiết, nhiệt độ, đặc điểm dân cư, nhất năng lực phòng chống sốt xuất huyết của từng nơi.
Theo CDC Hà Nội, để phòng chống dịch sốt xuất huyết, các đơn vị, địa phương tăng cường truyền thông, đặc biệt truyền thông trực tiếp để người dân hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh, nâng cao hơn nữa ý thức của người dân.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, mỗi người dân cần thực hiện tốt khẩu hiệu “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Đặc biệt, trên thị trường có nhiều hóa chất diệt muỗi nhưng người dân không nên tự mua về phun. Người dân có nhu cầu diệt muỗi nên liên hệ các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương. Tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra tình trạng muỗi kháng thuốc gây ảnh hưởng tới công tác chống dịch sốt xuất huyết.
Đối với các hộ gia đình có bãi đất trống với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng cần yêu cầu dọn dẹp xử lý môi trường ngay. Đồng thời, người dân cần tích cực diệt bọ gậy bằng cách thả cá hoặc thả hóa chất vào các dụng cụ chứa nước đọng để ngăn muỗi sinh sôi, truyền bệnh.
TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương) cảnh báo: “Thời tiết tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa nhiều khiến chu kỳ của muỗi phát triển rất nhanh. Dự báo, từ tháng 7 đến tháng 11, thành phố sẽ đối diện với nguy cơ rất cao bùng phát các đợt dịch”.
Theo VOV