Chị Hoàng Thanh Xuân (trú tại phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy) mua cà chua tại một quầy rau củ ở chợ Nam Trung Yên đã tỏ ra vô cùng sửng sốt khi loại củ quả bình dân này bỗng có giá lên tới 60.000 đồng/kg.
“Mới mấy ngày trước, tôi mua còn chưa đến 28.000 đồng/kg”, chị Xuân nhăn nhó nói. Thấy chị Xuân hốt hoảng, chủ quầy rau vội vàng phân trần: “Cà chua lên giá từ một tuần nay rồi, chúng tôi mua vào cũng đắt như thế, nào có lãi được đồng nào vì không dám ăn lãi nữa kẻo khách hàng không mua nổi”.
Đắn đo một lúc, chị Xuân quyết định mua 3 quả cà chua với giá 30.000 đồng. “Tính ra 10.000 đồng/quả. Không thể tin nổi!”, chị Xuân nói.
Câu chuyện giá cà chua cũng đang được nhiều bà nội trợ đưa lên mạng Facebook để than thở với nhau vì quá bất ngờ. Chị Mai Lan ở Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, với 3 quả cà chua bé xíu, chỉ nhỉnh hơn cà chua bi một chút, chị phải trả 15.000 đồng. Chị Lan nói, chưa bao giờ thấy cà chua còn đắt hơn cả rau xanh. Đồng tình với chị, người bán cũng thừa nhận, chưa bao giờ thấy giá cà chua cao như vậy.
Theo khảo sát, giá cà chua tại các chợ truyền thống ở Hà Nội đang dao động quanh mốc cao kỷ lục 50.000 - 60.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với mức giá 28.000 - 30.000 đồng cách đây 1 tuần. Tại một số chợ ở khu vực trung tâm có nơi còn lên đến 65.000 đồng/kg. Còn trong các siêu thị, các loại cà chua thông thường và cà chua bi giá khoảng 52.000 - 62.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Tươi, tiểu thương bán rau củ tại chợ Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Cà chua đang đắt lắm, nhập 5kg cà chua mà tốn gần 300.000 đồng, bằng tiền nhập cả sạp rau rồi. Nên tôi chỉ nhập ít để bán thêm vào, lấy lãi ở các loại rau khác chứ cà chua thì chấp nhận bán không có lãi”.
Còn một tiểu thương tại chợ Bách Khoa (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) than: “Hết hành, mùi tăng giá kỷ lục giờ lại đến lượt cà chua. Rau củ mà giá cứ lên xuống như chứng khoán thế này thì dân buôn bán chúng tôi khó bán quá”.
Nhiều tiểu thương cho biết, vì giá nhập cao, buôn bán không có lãi nên mấy ngày nay họ hạn chế nhập cà chua về bán.
Một vài tiểu thương cũng tỏ ra thắc mắc, không hiểu sao cà chua tăng giá dựng đứng như vậy.
Đặt câu hỏi này với bà Đào Thị Lương - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc hợp tác xã Tâm Anh (Phú Xuyên, Hà Nội), VTC News được biết, một trong những lý do của tình trạng trên là Trung Quốc hạn chế việc thông quan cửa khẩu với phương châm “zero-COVID”, do đó lượng cà chua nhập khẩu giảm mạnh khiến nguồn cung bị ảnh hưởng.
Còn nguyên nhân sâu xa hơn, bà Lương cho rằng xuất phát từ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Khi diễn ra giãn cách xã hội, công nhân không thể đến các hợp tác xã làm việc. Một phần đất bị bỏ lại dẫn đến chuỗi sản xuất cà chua bị đứt quãng, không liền mạch, sản lượng cà chua trong nước bắt đầu giảm.
Đến khi hết giãn cách, công nhân đi làm trở lại, cà chua được gieo trồng nhưng lại gặp thời tiết xấu. Mưa nhiều cộng với sương muối khiến sản lượng rau xanh tiếp tục giảm. Thị trường Hà Nội cũng vừa phải hứng chịu một làn sóng giá rau xanh cao kỷ lục ở giai đoạn này.
Hiện tại, diện tích trồng cà chua thu hẹp lại, chỉ còn ở các vùng Đà Lạt, Mộc châu. Điều này kết hợp với sự đứt gãy vụ cà chua khiến sản lượng loại quả này càng giảm.
“Vì thế mà nguồn cà chua cung cấp ra thị trường thời điểm này phụ thuộc nhiều vào nguồn hàng từ Trung Quốc nhập sang. Khi phía Trung Quốc hạn chế thông quan, giá cà chua trong nước lập tức dựng đứng”, bà Lương nói.
Có liên kết chặt chẽ với khoảng 13 hợp tác xã chuyên sản xuất rau củ quả, tạo nguồn cung cho thị trường, người đứng đầu Hợp tác xã Tâm Anh cho biết trong bối cảnh hiện tại nhiều hợp tác xã đang đẩy mạnh sản lượng cà chua để tung ra thị trường trong thời gian tới.
“Hy vọng là rất nhanh thôi, chỉ khoảng một tuần nữa, giá cà chua sẽ hạ nhiệt khi vụ mới được thu hoạch”, bà Lương dự báo.
Tuy nhiên, bà Đào Thị Lương tỏ ra lo ngại việc mặt hàng cà chua lại lâm vào cái vòng luẩn quẩn, từ giá tăng cao đỉnh điểm đến vứt đi hàng tấn. “Lúc thiếu hàng, giá cao thì không có mà bán. Rồi đến lúc đâu đâu cũng đổ xô vào trồng vì giá cao thì sản lượng lại thừa, hạ giá, vào vụ thì lại đổ vứt đi. Ấy là còn chưa kể tới lúc Trung Quốc thông quan thì chưa biết thế nào”.
Chủ một nhà vườn khác cũng cho biết, thời tiết xấu khiến cây giống chết nhiều, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm lớn làm cho trái cà chua kém phát triển. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh năm ngoái khiến giá cà chua có thời điểm giảm sâu, nhiều nơi phải đổ bỏ, điều này khiến năm nay bà con dè dặt không dám trồng nhiều.
Theo Công Hiếu (VTC)