Thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ chứng kiến nhiều trải nghiệm không mấy tốt đẹp, nhất là bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng (bancassurance). Một loạt vụ việc khách hàng gửi tiền tiết kiệm bỗng dưng bị “dụ” ký vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà không hay biết. Tình trạng khách vay tiền bị ngân hàng “ép” mua bảo hiểm cũng trở nên phổ biến. Những vụ việc này khiến xã hội có những cái nhìn thiếu thiện cảm về bảo hiểm nhân thọ và nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ.

Với nhu cầu mở rộng mạng lưới, tăng thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm, việc trở thành nhân viên tư vấn trở nên dễ dàng. Chỉ cần đăng ký, sau 3 ngày đào tạo là có thể trở thành đại lý bảo hiểm được cấp mã số. 

Thực tế, nhiều người phải bỏ dở hợp đồng sau khi không được tư vấn viên chăm sóc; những câu chữ trong hợp đồng bảo hiểm không được khách hàng nghiên cứu kỹ trước khi ký hợp đồng khiến họ gặp vướng mắc trong việc yêu cầu bồi thường khi gặp rủi ro.

Chị Yến Vy (TP.HCM) cho biết, năm 2020 chị từng mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với phí hơn 200 triệu đồng/năm. Chị được tư vấn bởi một đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp nhưng không thiếu những “chiêu trò”. Cảm thấy gặp phải tư vấn viên không có tâm, chị dành thời gian tự tìm hiểu về ngành bảo hiểm và nhận ra mình đã bị tư vấn sai. Hiện giờ chị vẫn chưa hết thắc mắc và trở ngại với hợp đồng bảo hiểm này.

Nhìn nhận về thực trạng trên, bà Trần Thị Thanh Thủy, Giám đốc kinh doanh AIA Exchange Hà Nội, cho biết: Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam từng bị kỳ thị. Không ít người đến với nghề bán bảo hiểm chỉ nghĩ đến việc làm bán thời gian (part-time), hoặc là sự lựa chọn tạm thời khi thất nghiệp. Điều này tạo nên hiện tượng nhiều người bán bảo hiểm không chuyên nghiệp, thậm chí là chụp giật.