Chính phủ đã ban hành Nghị định 44 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, từ nay đến cuối năm, thuế giá trị gia tăng (VAT) giảm 2% từ 10% xuống 8% đối với nhiều mặt hàng. Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm việc làm cho người lao động.
Giảm thuế VAT 2% sẽ có tác động đến toàn bộ thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023. Đây cũng là một trong những chính sách được các chuyên gia kinh tế đánh giá có tác động rộng rãi, đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ chính sách này chính là người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Hiền sống tại Hà Nội cho biết: "Giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% cũng giúp người tiêu dùng như như chúng tôi bớt đi một phần chi phí. Khoản tiền này tôi dành để mua thêm thực phẩm, hàng hóa, dù không phải là khoản tiền lớn nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng giúp cho chúng tôi rất nhiều".
Ngay sau khi chính sánh giảm thuế VAT có hiệu lực, một số cửa hàng, siêu thị… đã áp dụng các chương trình giảm giá. Thông tin từ Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), đơn vị này đã triển khai giảm giá cho hàng nghìn sản phẩm cho toàn hệ thống bán lẻ với 800 điểm bán trên toàn quốc. Theo đó, 5 ngành hàng gồm hóa phẩm, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, may mặc thời trang và đồ dùng gia đình đều giảm giá, mức giảm giá trung bình từ 22% đến 62%, gồm mức giảm giá thông thường cộng thêm giảm 2% thuế VAT.
Theo Ông Lê Văn Liêm - Giám đốc khu vực Miền Bắc, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), đây là lần thứ hai thuế VAT được giảm 2%, có tác dụng trực tiếp giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và giúp kích thích tái đầu tư sản xuất kinh doanh.
"Saigon Co.op cũng điều chỉnh giá sản phẩm. Thứ hai, chúng tôi cũng thực hiện nhiều chương trình khuyến mại đi kèm thì người tiêu dùng cảm nhận được giá cả tiêu dùng đang được sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước và việc này tác động qua lại thì lượng bán và kinh doanh thu tăng trưởng hơn" - ông Liêm cho biết.
Thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Do đó, khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp kích cầu tiêu dùng và doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Theo tính toán của Bộ Tài chính, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ gây hụt thu ngân sách nhà nước khoảng 24.000 tỷ đồng song chính sách này là cần thiết để kích cầu và thúc đẩy phát triển kinh tế.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, Chuyên gia kinh tế nhận định: "Với việc giảm VAT từ 10% xuống 8% thì làm cho giá hàng hóa trên thị trường có thể giảm từ 1,5 đến 1,7% và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể có yên tâm với hoạt động sản xuất kinh doanh. Để việc giảm thuế này đi ngay vào thực tiễn thì các doanh nghiệp phải tích cực chuẩn bị các điều kiện.
Thực tế đây cũng là một công việc tương đối khó khăn nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm trong trước khi chúng ta giảm thuế từ thuế VAT từ 10% xuống 8%, cho nên hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện rất nhanh, hoàn toàn có thể áp dụng ngay. Các cơ quan quản lý nhà nước thì cần nắm bắt tình hình thực hiện giảm giá để mà kiểm tra, giám sát hoạt động giảm giá để giá thực sự giảm. Điều quan trọng hơn là hỗ trợ giúp cho các doanh nghiệp thì lúc đó việc giảm thuế vào đời sống thực tiễn vừa nhanh, vừa hiệu quả".
Năm 2022, thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế giá trị gia tăng nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.