Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2017 trên địa bàn TPHCM xảy ra trên 1.000 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỉ đồng. Trong 1.037 chung cư tại TPHCM hiện nay, có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy nhưng lại tồn tại nhiều căn hộ được cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Ngoài ra có nhiều cao ốc, căn hộ được xây dựng trong các con hẻm nhỏ, gây khó khăn cho công tác phòng cháy chữa cháy nếu xảy ra sự cố cháy nổ. Đáng chú ý, hiện nay trên địa bàn thành phố có 7 chung cư chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa người dân vào sinh hoạt.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TPHCM cho biết trong những năm gần đây tại thành phố, việc xây dựng, phát triển chung cư, nhà cao tầng diễn ra mạnh mẽ, TP.HCM hiện nay có khoảng 1200 căn hộ chung cư.
Trong 5 năm trở lại đây, tỉ lệ phát triển căn hộ chiếm 24,6% tổng số xây dựng mới, trước đây chỉ chiếm tối đa khoảng 10%. Việc phát triển nhà chung cư với tốc độ nhanh như hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở cho người dân thành phố, nhưng gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Về giải pháp, ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn cho chủ đầu tư, ban quản lý cũng như cư dân về công tác quản lý vận hành, sử dụng an toàn các thiết bị nhà chung cư.
”Người dân chung cư sống ở chung cư nhưng không mấy quan tâm đến công việc chung. Có một thực tế là sống trong môi trường tập thể như nhà chung cư nhưng ý thức trách nhiệm của người dân chưa cao. Công tác tuyên truyền cần phải sâu rộng, đặc biệt cho cư dân sống ở chung cư cũng như các chủ thể khác”- ông Hải cho biết.
TV