Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay (14/4) được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 11/4 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 bán ra 23.170 đồng/lít. Xăng RON 95 giá bán là 24.240 đồng/lít. Giá dầu diesel không cao hơn 20.140 đồng/lít. Giá dầu hỏa là 19.730 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 3/4 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 24.240 | +1.120 |
Xăng E5 RON 92-II | 23.170 | +1.090 |
Dầu diesel | 20.140 | +710 |
Dầu hỏa | 19.730 | +700 |
Giá xăng dầu hôm nay (14/4) trên thị trường thế giới giảm nhẹ sau khi tăng lên mức cao vào hôm qua.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h hôm qua (ngày 13/4, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 87,23 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối tháng 1. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mốc 83,2 USD/thùng, mức cao nhất trong 5 tháng vừa qua.
Tuy nhiên, đến cuối phiên, giá dầu quay đầu giảm nhẹ. Lúc 20h52' ngày 13/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 86,81 USD/thùng, giảm 0,52 USD, tương đương 0,6% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mức 82,85 USD/thùng, giảm 0,41 USD, tương đương 0,49% so với phiên liền trước.
Dù giá dầu thế giới đảo chiều giảm nhưng vẫn đang neo ở mức cao hơn so với tuần trước.
Giá dầu thế giới giảm sau hai phiên tăng trước đó trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về khả năng nền kinh tế Mỹ suy thoái và nhu cầu dầu suy yếu.
Ngày 12/4, giá dầu tăng mạnh sau khi Mỹ công bố lạm phát trong tháng 3 tụt giảm xuống còn 5%, so với mức 6% trong tháng liền trước và so với mức đỉnh 9,1% trong tháng 6/2022.
Thông tin lạm phát Mỹ giảm nhanh đã làm tăng hi vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể dừng tăng lãi suất. Nhưng đợt thắt chặt lãi suất trước đó của Fed đã nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2007. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng việc Fed tập trung vào ngăn chặn lạm phát có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế, từ đó làm giảm nhu cầu dầu trong tương lai của Mỹ, nước sử dụng dầu lớn nhất thế giới.
Các thành viên của Fed đánh giá nền kinh tế Mỹ có thể suy thoái nhẹ vào cuối năm nay.
Mới đây, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đưa ra dự báo sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ giảm 500.000 thùng/ngày trong năm nay. Cơ quan này cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của Mỹ trong năm nay xuống 40.000 thùng mỗi ngày.
Trong khi đó, Viện Dầu khí Mỹ cho hay, lượng dầu thô dự trữ của nước này đã tăng khoảng 380.000 thùng trong tuần trước, trái với dự đoán giảm 600.000 thùng mà các chuyên gia đưa ra trong khảo sát mới đây của Reuters.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn nhận được sự hỗ trợ nhờ dữ liệu nguồn cung từ Nga đang sụt giảm. Theo Bloomberg, dòng chảy từ các cảng của Nga giảm 1,24 triệu thùng mỗi ngày, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ khi bão tấn công 2 cảng xuất khẩu dầu của nước này vào giữa tháng 3. Việc này làm dấy lên lo ngại về những ảnh hưởng từ kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu của Nga, làm gia tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.
Cùng với đó, giá dầu còn nhận được sự hỗ trợ từ dấu hiệu nhu cầu nhiên liệu ở Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới - tăng mạnh trong tháng 3.
Ngoài ra, giá dầu được dự báo tăng do Trung Quốc sẽ thực hiện các chính sách tiền tệ nới lỏng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo giới phân tích, thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể chứng kiến tình trạng khan hiếm nguồn cung vào nửa cuối năm 2023. Điều này sẽ đẩy giá dầu tăng cao. Nhiều chuyên gia dự báo, giá dầu có thể lên mức 100 USD/thùng trong năm nay.
Theo Vietnamnet