Trước giờ mở cửa, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh được niêm yết 55,30-55,65 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với cùng thời điểm phiên trước. Đây là phiên thứ hai giá vàng thương hiệu quốc gia giữ nguyên mức giá này.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh:Internet
Giá vàng Doji tại Hà Nội giảm 70 nghìn đồng chiều mua vào và tăng 50 nghìn đồng chiều bán ra khi được niêm yết 55,15-55,65 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng 24K Rồng vàng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tăng mạnh 150 nghìn đồng hai chiều lên 52,26-52,86 triệu đồng/lượng.
Còn giá vàng 9999 thương hiệu NPQ giữ nguyên chiều mua vào và tăng 150 nghìn đồng chiều bán ra khi được niêm yết 52,20-52,80 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra…
Trong phiên sáng nay, giá vàng trong nước có thể sẽ chịu tác động từ diễn biến của thị trường thế giới trong phiên đêm qua.
Với lý do, giá vàng SJC hiện đang quá cao so với mặt bằng chung của các sản phẩm vàng trong nước, nên có kiến nghị nên phá thế độc quyền.
Hiện nay, trên thị trường chỉ có duy nhất vàng miếng SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) mới đây đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội, NHNN nhiều giải pháp nhằm đổi mới chính sách pháp luật cũng như cơ chế quản lý đối với ngành vàng. Qua đó nhằm cởi trói cho thị trường vàng vốn bị siết chặt bởi Nghị định 24/2012 trong gần 10 năm qua. Theo đó, VGTA đề xuất bỏ quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như lâu nay, mà nên cấp phép cho một số công ty đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng.
VGTA cũng đề nghị xem xét cấp phép thêm một số thương hiệu vàng miếng có uy tín khác (ngoài SJC) đủ tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường. Qua đó tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng của vàng miếng và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người mua vàng.
Đêm 29/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.766 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1.767 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 29/4 cao hơn khoảng 16,1% (245 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 50,0 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 5,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 29/4.
Giá vàng trên thị trường quốc tế chịu áp lực giảm một phần do đồng USD hồi phục đôi chút. Sức hấp dẫn của các thị trường chứng khoán tiếp tục hút dòng tiền.
Trong phiên 29/4, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong bối cảnh giới đầu tư hào hứng trước kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp lớn tại Mỹ trong quý I/2021.
Trong cuộc họp vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục đưa ra những nhận định tích cực về nền kinh tế số 1 thế giới. Fed cho rằng triển vọng kinh tế Mỹ tươi sáng và tái khẳng định cam kết kiên định với chính sách tiền tệ hiện tại cũng hỗ trợ thị trường.
Sau cuộc họp 27-28/4 kết thúc rạng sáng 29/4 giờ Việt Nam, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) quyết định duy trì chính sách tiền tệ ổn định với lãi suất gần bằng 0% và mua trái phiếu số lượng lớn nhằm tiếp tục hỗ trợ tiến trình phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Fed cũng khẳng định sẽ không từ bỏ chính sách hỗ trợ cho đến khi đà phục hồi trở nên rõ ràng, vững chắc.
Các tín hiệu chính sách của Fed đã ngay lập tức tác động tới thị trường vàng. Giới đầu tư đánh cược mặt hàng kim loại quý sẽ khó bứt phá đi lên.
Không những thế, việc kinh tế Mỹ tăng trưởng cao cũng đồng nghĩa với việc lợi suất trái phiếu có xu hướng tăng, gây bất lợi cho vàng.
Vàng còn chịu áp lực giảm sau khi thất bại trước mốc 1.800 USD/ounce.