Cập nhật diễn biến giá tiêu hôm nay
+ Giá tiêu trong nước
Giá tiêu trong nước hôm nay ghi nhận sự giảm 1.000 đồng/kg ở Đồng Nai, các địa phương còn lại ổn định ở mức 60.500 - 63.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cao nhất cả nước, ở mức 63.500 đồng/kg, không thay đổi so với phiên giao dịch trước.
Tại tỉnh Bình Phước, giá tiêu ghi nhận ở mức 62.500 đồng/kg, giữ nguyên mức giá của một ngày trước.
Tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, giá tiêu ở mức 62.000 đồng/kg, cũng không có sự thay đổi so với một ngày trước đó.
Giá tiêu hôm nay tại tỉnh Đồng Nai ở mức 61.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng so với phiên giao dịch trước.
Giá tiêu trong nước hôm nay ghi nhận thấp nhất tại tỉnh Gia Lai, ở mức 60.500 đồng/kg.
+ Dự báo giá tiêu
Xuất khẩu yếu đi nhiều tháng qua được cho rằng do nhu cầu tiêu thụ thấp trên thế giới, nhất là ở Trung Quốc. Kỳ vọng Trung Quốc vẫn chưa mua đủ số lượng như hằng năm vào những tháng cuối năm nay sẽ giúp thị trường hồi phục.
Theo các chuyên gia, dựa theo việc thiếu hụt nguồn cung ở Anh hiện tại, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể tận dụng để tăng cường xuất khẩu hồ tiêu sang quốc gia này cho dịp cuối năm.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Brexit và các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga, Anh đang bất ổn về nguồn cung và gây ra tình trạng thiếu hàng hóa ở nước này. Hiện tại, Vương quốc Anh là quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ hồ tiêu lớn thứ hai ở châu Âu sau Đức và Việt Nam trong những năm gần đây đã có xuất khẩu hồ tiêu tăng mạnh sang thị trường này.
Lượng xuất khẩu năm 2020 của Việt Nam là 5.621 tấn hồ tiêu sang thị trường Anh, đạt 48 triệu USD, trong tổng số 14.000 tấn hạt tiêu và 121 triệu USD. Xuất khẩu hồ tiêu cuối năm 2021 của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng mạnh ở mức 49% so với năm 2020.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, hồ tiêu nằm trong nhóm hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh tại Anh và bán khá chạy trong các hệ thống siêu thị. Hồ tiêu có lợi thế hơn ở Anh so với các sản phẩm cùng loại của các nước không có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Anh như UKVFTA đã bãi bỏ hoàn toàn các quy định về chính sách thuế đối với hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam.
Tuy nhiên, điều này cũng được nói thêm, các doanh nghiệp địa phương chỉ có thể tận dụng được những lợi thế này nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của Anh và phù hợp với khẩu vị của khách hàng.
Cập nhật giá hồ tiêu thế giới
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, tình hình giảm mạnh của giá tiêu nội địa vì nhu cầu vẫn ở mức thấp do lạm phát tăng cao, nhất là ở các nước như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
Các nhà xuất khẩu cũng dè chừng trước việc USD tăng phi mã. Bên cạnh đó, tại nhiều khu vực, nguồn cung hồ tiêu trong thời gian qua khan hiếm do nông dân găm hàng chờ giá tốt.
Đến thời điểm này, lượng dự trữ hồ tiêu trong cả nước đã tăng khá cao, ước tính lên đến 100 nghìn tấn. Trong bối cảnh cận kề bước vào vụ thu hoạch mới, với lượng dự trữ như trên sẽ khiến cho hồ tiêu khó về lại mốc giá như đầu năm 2022.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam tuy nhiên so cùng kỳ lượng nhập khẩu của Mỹ giảm 12,4% đạt 41.163 tấn, tính chung cả khu vực châu Mỹ nhập khẩu giảm 12,3%. Nhập khẩu khu vực châu Âu giảm 12,5% trong đó Đức giảm 13,7% đạt 7.965 tấn; Hà Lan giảm 8,8% đạt 6.549 tấn; Ireland đạt 4.194 tấn tăng 11%; Anh: 4.105 tấn giảm 9,7%; trong khi đó xuất khẩu sang Nga giảm nhẹ 3,3%
Xuất khẩu sang châu Á giảm 22,5% trong đó giảm mạnh nhất ở Trung Quốc – thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực (giảm 67,8% so cùng kỳ). Hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là UAE giảm 1,8% đạt 13.336 tấn và Ấn Độ tăng 3% đạt 11.332 tấn. Xuất khẩu cũng tăng mạnh ở Singapore, Nhật Bản, HongKong nhưng giảm mạnh ở Pakistan do vấn đề thanh toán. Thị trường châu Phi cũng ghi nhận sự sụt giảm khi 9 tháng xuất khẩu giảm 19%, trong đó xuất khẩu sang Ai Cập giảm 50,4% đạt 2.332 tấn. Xuất khẩu sang Nam Phi và Gambia cũng giảm trong khi sang Senegal và Algeria tăng.
Các thị trường nhập khẩu tiêu trắng hàng đầu: Mỹ: 3.932 tấn, Đức: 3.324 tấn, Hà Lan: 2.393 tấn, Thái Lan: 1.688 tấn, UAE: 1.413 tấn…
Theo VTC