Đầu tư gần 30 tỷ đồng vào dây chuyền sản xuất, tuy nhiên đến nay doanh nghiệp chuyên sản xuất rau củ quả tươi, đóng hộp và nước ép trái cây do ông Nguyễn Đức Hưng điều hành mới vận hành được khoảng 15% công suất.
"Trong khi lượng hàng tiêu thụ cũng không đều, chủ yếu theo mùa vụ nên lợi nhuận của doanh nghiệp ở mức rất thấp, chỉ khoảng 2-3% để duy trì", ông Hưng nói.
Do đó vị lãnh đạo cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt vào thời điểm này thực sự khó khăn với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường nước giải khát đang bão hòa và gần như không có sự tăng trưởng. Đây cũng không phải là nhu yếu phẩm thiết yếu, người dân phải sử dụng hàng ngày.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống cũng bày tỏ lo ngại về việc đánh thêm thuế trong thời điểm khó khăn này. Bên cạnh đó, họ đánh giá đề xuất đánh thuế "đường" với mặt hàng đồ uống cũng chưa hợp lý.
Áp lực tăng giá
Với đồ uống có đường, Giám đốc điều hành Công ty CP Xuất nhập khẩu và thực phẩm toàn cầu (Global Food JSC) cho biết hiện doanh nghiệp sản xuất chủ yếu một số mặt hàng nước ép đóng lon như nước cam, chuối, bí đao, chanh leo... Giá bán lẻ trên thị trường dao động 9.000-11.000 đồng/lon.
"Nếu các mặt hàng này phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bắt buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán sản phẩm. Bởi, mỗi sản phẩm bán ra đang phải chịu các loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Do đó, khi áp thêm một loại thuế mới sẽ tác động đến giá thành sản xuất, khiến giá bán lẻ cũng phải tăng theo", vị này khẳng định.
Giám đốc điều hành doanh nghiệp cho biết nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% vào đồ uống có đường, giá sản phẩm buộc phải tăng thêm tối thiểu khoảng 8%. Theo đó, công ty sẽ phải cắt giảm 2% lợi nhuận để chịu phần chi phí cho người tiêu dùng.
"Tuy nhiên, lý do để đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng cũng không hợp lý. Bởi đường có rất nhiều loại đường, đặc biệt hiện nay còn có loại đường không năng lượng. Nếu dùng loại đường này để sản xuất thì không ảnh hưởng đến sức khỏe, gây nên tình trạng thừa cân, béo phì như loại đường thông thường", Giám đốc điều hành Global Food phân tích.
Vị lãnh đạo này thắc mắc rất nhiều loại thực phẩm như bánh, kẹo sử dụng lượng đường nhiều hơn nhưng cơ quan chức năng lại không đề xuất đánh thuế, trong khi chỉ đề xuất với mặt hàng đồ uống.
Tương tự, chủ một cơ sở chuyên phân phối mặt hàng nước giải khát tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết hiện nay tình hình tiêu thụ nước giải khát trong những tháng đầu năm giảm so với trước.
"Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này, nhà sản xuất tăng giá thì doanh nghiệp phân phối cũng phải tăng theo. Người tiêu dùng sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhất", vị này nhìn nhận.
Nhiều băn khoăn
Chia sẻ với báo chí về đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, đại diện Gong Cha Việt Nam phân tích ở nhiều góc độ. Ở góc độ thông thường, ông cho rằng mỗi chất tồn tại đều có tác dụng riêng và tồn tại song song hai mặt có lợi và không có lợi. Điều quan trọng là cách sử dụng và cân bằng ra sao.
"Một chất dù có lợi nhưng khi dùng nhiều quá sẽ không tốt. Đường hay chất ngọt là một loại nguyên liệu, gia vị phổ biến, đây không phải là chất cấm nên cần có cái nhìn khách quan, bớt kỳ thị về nó", vị đại diện nói.
Ông dẫn chứng một tài liệu, trong đó GS TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội khoa học kĩ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam từng cho biết trên thế giới tranh cãi rất nhiều về ăn đồ ngọt sẽ dẫn đến thừa cân béo phì, nhưng đồ ngọt chỉ là một yếu tố.
Ở góc độ quản lý, đại diện thương hiệu này cho rằng nhà chức trách cần xem xét công cụ thuế có phải là công cụ hữu hiệu để hạn chế hành vi của người tiêu dùng? Hay người dân vẫn sử dụng dù thuế ở mức nào đi nữa. Khi đó, suy cho cùng mọi gánh nặng vẫn quay về người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Theo vị này, bên cạnh thuế, có nhiều công cụ khác như: Truyền thông sức khoẻ, hướng dẫn sử dụng chất ngọt đúng cách... để hạn chế việc sử dụng thực phẩm có đường.
"Còn ở góc độ doanh nghiệp, khi quyết định đánh thuế với mặt hàng này được thông qua thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ nghiêm túc tuân thủ. Tuy nhiên, lúc đó doanh nghiệp và người tiêu dùng lại phải tiếp tục cùng nhau tính toán về những áp lực tài chính, chi tiêu, vốn đã rất nhiều trong bối cảnh hiện tại", đại diện Gong Cha nhìn nhận.
Từ góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng nên duy trì ổn định các thể chế/chính sách nhằm tiếp sức doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng trong nước. Thay đổi chính sách cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
"Cần tránh việc thay đổi các sắc thuế, nhất là thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và nhân dân, ít nhất trong giai đoạn cần phục hồi tăng trưởng 2023-2024 (Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã năm lần sửa đổi: 2003, 2005, 2008, 2014 và 2016). Sự điều chỉnh liên tục gây bất ổn cho môi trường pháp lý, thể chế và kinh doanh, tác động tiêu cực doanh nghiệp", ông đánh giá.
Theo báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu VIRAC, Pepsico duy trì vị thế dẫn đầu trong mảng nước giải khát (theo giá trị). Xét theo các phân khúc, Pepsico cũng dẫn đầu ở các mảng như: Đồ uống có gas, nước hoa quả, nước đóng chai và nước uống thể thao.
Vị trí thứ 2 trong năm 2022 thuộc về Coca-cola Việt Nam, chiếm thị phần lớn ở các phân khúc đồ uống có ga, nước đóng chai và nước hoa quả. Tân Hiệp Phát và URC Việt Nam dẫn đầu ở phân khúc trà uống liền trong khi Red Bull xếp đầu tiên trong phân khúc nước tăng lực.
"Nước tăng lực là phân khúc được đánh giá tăng trưởng tiềm năng nhất. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của nước tăng lực giai đoạn 2017-2022 ước tính gần 10%, xếp sau là dòng nước đóng chai với mức độ tăng trưởng CAGR là 7%", hãng nghiên cứu đánh giá.