Nghiên cứu của Trường Y khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) trên dựa trên 46.000 phụ nữ mang thai trong giai đoạn từ năm 1959 đến 1965 cho thấy tuổi thọ hiện tại có liên quan mật thiết đến việc quản lý cân nặng khi họ mang thai.
Ảnh minh họa.
Theo đó, sau hơn 50 năm kể từ khi nhóm người nghiên cứu mang thai, tác động của việc tăng cân phù hợp hay không phù hợp trong thai kỳ được hé lộ dựa trên sự khác biệt về tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch, tiểu đường, hoặc tỉ lệ tử vong chung do mọi nguyên nhân.
Kết quả công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy, nhóm phụ nữ gặp nguy hiểm cao nhất là những người thiếu cân trước khi mang thai (BMI dưới 18,5), nhưng trong thai kỳ lại tăng cân vượt quá khuyến nghị. Họ có tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn đến 84% so với người có cân nặng khỏe mạnh trước và trong khi mang thai.
Đối với người có cân nặng bình thường trước khi mang thai, tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân tăng 9% nếu họ trở thành bà bầu quá cân. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong do tim mạch tăng 20%.
Đối với người đã thừa cân - béo phì trước khi mang thai, nếu tăng cân quá mức khi là thai phụ tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân sẽ tăng 12%. Tỉ lệ tử vong do bệnh tiểu đường tăng mạnh 77% ở nhóm này.
TS Stefanie N. Hinkle - Trưởng nhóm tác giả nghiên cứu cho biết: "Những phát hiện mới ủng hộ tầm quan trọng của việc đạt được mức tăng cân khỏe mạnh khi mang thai, đồng thời bổ sung thêm rằng những tác động này có thể vượt ra ngoài thai kỳ, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài".
Đồng thời, nhiều nghiên cứu khác từ lâu cũng cho thấy việc tăng cân quá mức so với khuyến nghị gây nhiều tác hại cho cả mẹ và bé.
Ảnh minh họa.
Tăng bao nhiêu cân khi mang thai là hợp lý?
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, do tình trạng thai nghén, nhiều bà bầu ít tăng cân hoặc không tăng cân nhưng nhìn chung vẫn tăng được khoảng đến 2 kg.
Trong khi đó, với 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, đối với phụ nữ mang thai có mức cân nặng bình thường trước khi có thai nên duy trì tăng 0,4kg/tuần khi mang thai. Đối với phụ nữ có cân nặng thấp hơn, mức độ tăng cân cần duy trì 0,5 kg/tuần. Đối với phụ nữ đã thừa cân trước đó, mức tăng cân nên hạn chế, còn khoảng 0,3 kg/tuần.
Trong tam cá nguyệt đầu của thai kỳ, người mẹ nên tăng trong khoảng từ 1 - 2 kg, tam cá nguyệt thứ hai tăng 4 - 5kg, tam cá nguyệt cuối tăng 5 - 6 kg.
Ngoài ra, mức tăng cân hợp lý của phụ nữ mang thai phụ thuộc chủ yếu vào tình trạng của từng bà bầu khác nhau, không có thai kỳ nào giống thai kỳ nào, cũng không có người mẹ nào có mức tăng cân giống nhau hoàn toàn.
Ảnh minh họa.
Chính vì vậy, bà bầu nên quản lý cân nặng của mình bằng nhiều cách, có thể áp dụng chỉ số BMI để kiểm tra và xác định được số cân nên tăng trong quá trình mang thai. BMI = cân nặng (kg) chia bình phương chiều cao:
Với phụ nữ nhẹ cân (BMI dưới 19,8), mức tăng cân hợp lý khi mang thai là 12-18kg.
Đối với phụ nữ cân nặng bình thường (BMI từ 19,8-26), khi mang thai tăng cân hợp lý từ 11-14kg.
Phụ nữ thừa cân (BMI từ 26-29) trong thời kỳ mang thai nên tăng cân hợp lý là từ 8-11kg.
Với phụ nữ béo phì (BMI trên 29), mức tăng cân hợp lý ở thai kỳ là 8kg.
Khi mang thai đôi hoặc sinh ba, đây là trường hợp đặc biệt nên mức tăng cân hợp lý của bà mẹ là 15-20kg trong suốt thai kỳ.
Để giữ cân nặng phù hợp, ngoài chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, bà bầu cũng cần hoạt động thể chất nhẹ nhàng có lợi cho cả bản thân và thai nhi.
Trên thực tế, tập thể dục giúp làm giảm đau lưng và táo bón, cũng như giữ cho thân hình cân đối - điều này sẽ hữu ích khi chuyển dạ. Tuy nhiên, việc luyện tập cần tuân theo chỉ định của bác sĩ và sự hướng dẫn của những người có chuyên môn.