Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, qua đó nâng biên độ lãi suất lên mức 0,25% - 0,5%. Theo quan chức cấp cao của FED, dự kiến sẽ có 5 - 6 đợt nâng lãi suất nữa trong năm 2022 và thêm 3 đợt khác trong năm 2023 và 2024.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Giá vàng sẽ diễn biến thế nào trong bối cảnh trên, sau khi đã tăng dữ dội gần đây. Giá vàng luôn nhạy cảm với động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ bởi lãi suất tăng sẽ giúp USD và lợi suất trái phiếu mạnh, song lại khiến sức hấp dẫn của vàng giảm.
Tuy nhiên trái với quy luật này, ngay sau khi FED tăng lãi suất, giá vàng thế giới lại bật tăng. Cụ thể, đầu giờ sáng nay (18/3), giá vàng thế giới trên sàn Kitco giao dịch ở mức 1.942 USD/ounce, tăng 13 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Đánh giá về động thái này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc tăng lãi suất của FED là để kiểm soát lạm phát khi lạm phát ở Mỹ đã lên tới 7,9% trong vòng 1 năm qua, mức cao nhất 40 năm qua. Lãi suất cơ bản tăng sẽ khiến giá trị USD và lãi suất trái phiếu tăng. Theo quy luật tài chính, giá vàng sẽ giảm.
“Nhưng thời điểm này, vàng và USD sẽ tăng cùng chiều. USD tăng do khủng hoảng kinh tế và trong khủng hoảng vàng sẽ tăng cao do vàng như hầm trú ẩn an toàn về tài chính, nhất là trong bối cảnh địa chính trị bất ổn như hiện nay”, ông Hiếu nhận định.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nêu quan điểm, tình hình hiện tại rất khó để đoán được biến động của giá vàng. FED tăng lãi suất cơ bản, sẽ củng cố giá của USD, USD tăng thì sẽ kìm hãm giá vàng. Nhưng cuộc chiến Nga - Ukraina hiện vẫn chưa biết sẽ diễn biến thế nào, nên khó đoán được diễn biến của giá kim loại quý.
Vàng luôn được coi là tài sản tiềm năng trong khoảng thời gian cuối năm 2022, đặc biệt là khi các mặt hàng có giá gây sốc vì thiếu hụt nguồn cung. Vì vậy, không loại trừ khả năng vàng sẽ tiếp tục tăng.
Còn theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, việc FED quyết định tăng lãi suất cơ bản 0,25 - 0,5% sẽ xảy ra 2 vấn đề. Thứ nhất FED tăng lãi suất sẽ giúp USD lên giá nhưng cũng sẽ ảnh hướng đến sản xuất kinh doanh, làm tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, thị trường chứng khoán đi xuống. Khi đó, nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn và vàng sẽ lại tăng giá.
Thứ hai, theo quy luật, vàng được mua bằng USD, nên USD tăng giá sẽ khiến việc mua vàng trở nên đắt đỏ, vì thế kìm đà tăng của vàng. Nhưng trong 2 năm đại dịch bùng phát, USD bị mất giá do việc bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế nên sức tăng của giá vàng mạnh hơn USD.
“Lần tăng lãi suất cơ bản này của FED dù có tác động nhưng không khiến giá vàng giảm”, ông Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Dự báo trên Kitco, ông Colin, chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cũng cho rằng, FED chỉ tăng 0,25% lãi suất cơ bản, thậm chí 0,5% trong cuộc họp sắp tới, thì cũng khó làm giảm sức hấp dẫn của vàng với tư cách là tài sản phi lãi suất, nhưng có mức độ trú ẩn cao trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine đang leo thang. Do đó, động thái này của FED ít tác động đến giá vàng, có chăng chỉ tác động nhất thời đến tâm lý nhà đầu tư.
Hơn nữa, nếu FED dự kiến tăng lãi suất 5 lần trong năm nay và 4 lần trong năm tới thì lãi suất cơ bản của FED cũng chỉ ở mức 2,25- 2,5% theo dự báo của Capital Economics, vẫn thấp hơn nhiều mức lạm phát cao ngất ngưởng là gần 8%, thậm chí cao hơn nữa trong những tháng tới.
“Một khi lãi suất thực ở Mỹ vẫn âm thì vàng còn nhiều cơ hội tăng giá, nhất là khi lạm phát đang chịu tác động kép bởi nhiều yếu tố, như chiến sự Nga-Ukraine, thiếu hụt lao động, khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Colin nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết thêm, giá vàng có thể sẽ điều chỉnh ngắn hạn, nhưng khó xuống sát 1.800USD/ounce. Trong khi giá vàng trung và dài hạn vẫn còn tăng cao hơn nữa.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số kỹ thuật vẫn cho thấy xu hướng tăng giá vàng ngắn hạn. Nếu giá vàng tuần tới vẫn trụ vững trên 1.930 USD/ounce, thì sẽ vẫn còn cơ hội thách thức với mức đỉnh cao kỷ lục năm 2020.
Theo VTC