Sáng sớm, bà Nguyễn Thị Thanh (trú xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) vội ra thăm ruộng hành tăm đã bắt đầu khô héo lá. “Thu hoạch về cũng chưa biết bán cho ai, mà để ngoài ruộng lâu quá sợ hỏng mất. Đành gắng tranh thủ đưa về nhà thôi”, bà Thanh nói.
Vụ này gia đình bà Thanh trồng 2 sào hành tăm. Bà bảo trung bình một sào hành tăm người dân phải đầu tư hơn 6 triệu đồng cho giống, phân bón, rơm rạ, trấu… chưa kể bỏ công chăm sóc 8 tháng trời. Năm nay giá phân bón liên tục tăng cao khiến chi phí chăm sóc cây hành tăm cũng tăng theo.
Bà Thanh xót xa khi hành tăm rớt chỉ còn nửa giá cũng bán không được |
“Năm ngoái dịch bệnh như thế nhưng giá hành tăm cũng không rớt mạnh như hiện nay, nên ít ra thu hoạch xong cũng không bị lỗ vốn. Năm nay không những mất giá, mà hiện thương lái thu mua hành tăm cũng rất ít, chẳng biết bán cho ai”, bà Thanh nói.
Dù đang là thời điểm chính vụ thu hoạch hành tăm, song người trồng hành tăm ở huyện Nghi Lộc vẫn đang phải thu hoạch cầm chừng chờ thương lái tới thu mua. Nóng ruột, nhiều người phải lên mạng xã hội rao bán, chở đi bán lẻ tại các chợ dân sinh…
Nhiều ruộng hành tăm đã bắt đầu khô héo song người dân vẫn chưa thu hoạch, chờ đợi thương lái tới mua |
“Năm ngoái đầu vụ, chúng tôi thu hoạch, bán hành ở mức 28.000 đồng/kg, thì năm nay giá giảm mạnh còn 14.000 - 15.000 đồng/kg”, bà Lê Thị Hữu (trú xã Nghi Lâm) nói và cho biết, sau dịp Tết Nguyên đán, hành tăm chính vụ được thu hoạch ồ ạt, cung vượt quá cầu, các đầu mối ngừng thu mua nên người dân chỉ có thể thu hoạch cầm chừng.
Theo bà Hữu, để có hành tăm sạch, thơm ngon, người trồng phải mất rất nhiều thời gian từ đi thu hoạch hành, cắt bỏ lá, rửa đất cát rồi cắt rễ… “Rẻ thì coi như mình lấy công làm lãi, nhưng khổ nỗi hiện khó bán quá”, bà Hữu nói.
Người phụ nữ 64 tuổi này cho hay, năm nay hành tăm được mùa, củ to, đều nên rất dễ bán thời điểm đầu mùa vụ. Tuy nhiên, niềm vui này chẳng kéo dài được bao lâu. Trong thời điểm hành tăm chưa tìm được đầu ra, bà Hữu đành thu hoạch số lượng ít mỗi ngày mang ra chợ bán để gỡ gạc tiền phân bón.
Nghi Lộc là vựa hành tăm lớn nhất tại Nghệ An với gần 280 hecta diện tích trồng hành tăm, tăng hơn 41 hecta so với năm 2021. Sản lượng hàng tăm đạt trên 2.100 tấn/hecta.
Không chờ nổi thương lái, bà Hữu phải thu hoạch hành tăm số lượng ít mỗi ngày mang ra chợ bán |
Ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc - cho biết thị trường tiêu thụ hành tăm của huyện chủ yếu vẫn ở trong tỉnh, do đang là thời điểm chính vụ, hành tăm được thu hoạch nhiều nên giá thu mua giảm.
Hiện nhiều người dân vẫn đang mở rộng diện tích trồng hành tăm theo hướng tự phát, phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc đang nỗ lực vận động bà con không nên mở rộng diện tích sản xuất hành tăm ồ ạt, nhằm bảo đảm cung không vượt cầu. Đồng thời kiến nghị đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ người dân kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Tại Nam Trung bộ, nhiều vùng trồng dưa hấu cũng lâm cảnh tương tự. Cụ thể, giá dưa hấu tại Phú Yên đang rẻ như cho. Có nơi dưa bán không ai mua, nông dân chờ “giải cứu'' sau 3 tháng trời ròng rã ăn ngủ ở chòi với dưa.
Bà Nguyễn Thị Thanh, ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) cho hay: Vợ chồng tôi thuê đất trồng 6 sào dưa, trung bình mỗi sào thu 2 tấn trái. Dưa đang vào độ chín rộ nhưng gọi thương lái nhiều ngày mà chẳng ai đến mua. Giá dưa hiện nếu có bán được cũng 2.000 đồng/kg, trừ chi phí xong, tôi lỗ trên 10 triệu đồng. Bà Thanh buồn rầu vì vụ dưa năm nay rớt giá, thua lỗ nặng.
Không bán được cho thương lái, nhiều hộ trồng dưa phải đóng bao tự đem bán |
Ông Bùi Văn Tấn, trồng dưa ở xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) giãi bày: Cũng vụ dưa này, mấy năm trước giá cao, trái dưa xấu đẹp thương lái mua hết, mỗi hecta dưa lãi trên 100 triệu đồng. Còn nay dưa hạ giá, người mua cũng kén chọn khiến người trồng dưa ai cũng lỗ.
Tương tự, ông Phan Văn Lâm, một người trồng dưa tại xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) cho biết, có thương lái đến mua, phân ra 2 loại: loại 1, dưa đạt 4 kg/trái trở lên mua với giá 2.200 đồng; loại 2 trọng lượng 3kg/trái, giá mua 2.000 đồng. Giá rẻ, nhưng thương lái luôn đưa lý do trái sâu, xốp ruột... để bỏ lại. Số dưa không bán được chất đống, ông Lâm phải đưa đến các điểm bán nhờ “giải cứu”… Vụ dưa này ông xác định lỗ ít nhất 20 triệu đồng.
Giá dưa hấu tại ruộng chỉ còn trên dưới 2.000 đồng/kg |
Theo nhiều người trồng dưa, 2 năm nay ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, giá dưa rất thất thường, đầu năm 2021 giá bán 6.000-7.000 đồng/kg, thương lái lùng sục mua nhưng không có dưa bán, đùng một cái có tin đồn thị trường Trung Quốc không nhập nữa nên giá dưa rớt thê thảm, xuống còn 2.000 đồng. Riêng năm nay, đầu vụ giá dưa 2.200 đồng rồi hạ xuống 1.500 đồng…
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phú Yên, hằng năm nông dân trong tỉnh trồng hơn 800 hecta dưa hấu, với năng suất bình quân 40 tấn/hecta. Ông Đào Lý Nhĩ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên: Trước tình hình dịch COVID-19, dưa hấu không xuất khẩu được, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân giảm diện tích trồng mới, chuyển sang trồng các loại cây trồng phù hợp khác, đồng thời nên trồng rải vụ để tránh thu hoạch cùng lúc. Thời gian qua các ngành chức năng phối hợp với các địa phương tích cực tìm kiếm thị trường, đối tác tiêu thụ nông sản, đặc biệt là dưa hấu.
Theo Phan Ngọc - Út Nam/Phụ nữ Online