Tại hội thảo Bảo tồn và Phát triển bền vững Cù Lao Chàm diễn ra ngày 12-10 tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, các chuyên gia, nhà khoa học cảnh báo nếu không được kiểm soát chặt chẽ, tài nguyên thiên nhiên Cù Lao Chàm sẽ biến mất trong một thời gian không xa.
Có thể không tiếp khách theo mùa
Bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cho biết Cù Lao Chàm (thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An) được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009.
Kinh tế địa phương từ nông nghiệp đã chuyển mình phát triển du lịch năng động. Trước năm 2007, Tân Hiệp luôn thuộc xã nghèo, nhận trợ cấp thường xuyên thì đến năm 2015, nơi đây xóa được tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo. Đến năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,02 triệu đồng/người/năm.
Khai thác du lịch kiểu đại trà đang khiến tài nguyên thiên nhiên ở Cù Lao Chàm ngày càng cạn kiệt
Tuy nhiên, tốc độ phát triển du lịch nhanh và tổ chức quản lý không theo kịp đã làm chệch hướng du lịch Cù Lao Chàm. Lượng khách đến Cù Lao Chàm tăng mạnh nhưng nguồn lợi tự nhiên, nguồn hải sản Cù Lao Chàm ngày càng cạn kiệt. Các nghiên cứu chỉ ra rằng người dân Cù Lao Chàm chỉ được 1/4 tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch.
Ông Lodovico Ruggeri, đại diện Công ty Dịch vụ lặn Cù Lao Chàm Diving, cho rằng các doanh nghiệp đa phần nghĩ tới bài toán lợi nhuận ngắn hạn trước mắt, chưa nghĩ tới bức tranh tổng thể lâu dài. Ông Lodovico Ruggeri đề xuất tăng cường quản lý khai thác hải sản, nhất là trong các khu bảo tồn. Hạn chế số lượng khách và tàu thuyền lên đảo, cần có kế hoạch đóng cửa, không tiếp khách theo mùa để các hệ sinh thái có thời gian phục hồi, tái tạo.
Theo chuyên gia Trần Lê Trà, từ năm 2015-2016, chỉ có 11.000-12.000 khách lưu trú tại Cù Lao Chàm. Trong đó, khách quốc tế ngày càng giảm, khách trong nước tăng.
"Chúng ta đang cung cấp dịch vụ giá rẻ, du lịch đại trà chứ không phải du lịch có chọn lọc trong khi nguồn lợi tự nhiên, môi trường bị tác động nghiêm trọng. Không riêng Cù Lao Chàm mà du lịch nước ta hiện tại phần lớn dựa vào thiên nhiên mà sống" - ông Trà nói và đặt ra vấn đề cần nâng chất, chọn lọc khách đến Cù Lao Chàm.
Đừng nghe cho vui!
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, nói rằng những bất cập, thách thức ở Cù Lao Chàm từng được chỉ ra nhiều lần ở các hội thảo nhưng xong hội thảo rồi đâu lại hoàn đấy. Theo ông Sự, không có sự phát triển nào không có thách thức, đánh đổi nhưng phải chọn cách đánh đổi thấp nhất mà cộng đồng lại được hưởng lợi nhiều nhất. Trong phát triển du lịch hiện nay, một tư duy bao trùm không riêng Hội An mà chung cả nước là khách tới càng đông càng tốt nhưng không nghĩ tới cái giá phải trả. "Phải biết chọn lựa khách, một người tiêu 5 đồng còn hơn 5 người tiêu 5 đồng. Chúng ta đang "ăn" vào tự nhiên. Hãy cố gắng nương tựa, đối thoại, kính ngưỡng, tôn trọng nó để nó cùng tồn tại với con người" - ông Sự nói.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), khẳng định đã kiến nghị nhiều lần về việc tăng diện tích vùng lõi khu dự trữ và cơ quan chức năng ghi nhận nhưng không có động thái gì. Bà Hiền đặt ra câu hỏi địa phương chú trọng việc bảo tồn phát triển hay phát triển bảo tồn và cho rằng phát triển bảo tồn không phải là ý tưởng tốt.
Bảo tồn đặt lên hàng đầu
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh Cù Lao Chàm phải được phát triển theo nguyên tắc bảo tồn cho sự phát triển, cái bảo tồn được đặt lên trên hết. Theo ông, hiện nay, du lịch Cù Lao Chàm quá thiên về số lượng, thiếu chất lượng, cách tiếp cận như hiện nay kéo dài sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn. Ngoài ra, cần nghiên cứu mở rộng vùng lõi, hướng đến quản lý từ rừng xuống biển, từ trên bờ ra đảo...
"Phải nghiên cứu từ Sơn Trà (TP Đà Nẵng) đến Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), từ Cù Lao Chàm đến thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn. Từ đó có đánh giá đa chiều để hình thành tư duy quản lý có hệ thống" - ông Thanh yêu cầu.
Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG/NLĐ