Từ hàng loạt vụ ôm con tự tử xảy ra gần đây, đã đến lúc xã hội, các chuyên gia, cơ quan chức năng phải gióng lên hồi chuông lớn để cảnh báo về vấn nạn này. Không gì đau lòng và đáng sợ hơn chuyện những đứa trẻ vô tội bị tước đoạt mạng sống một cách oan khốc bởi những người sinh ra chúng.
Tháng 5 chưa kết thúc đã có ít nhất 2 vụ ôm con tự tử được xác định. Dư luận chưa hết đau xót vì tiếng kêu “đừng, ba ơi” thắt lòng của đứa trẻ 6 tuổi ở Quảng Nam khi bị bố mang theo nhảy cầu Cửa Đại ngày 17/5 thì đến tối 27/5 lại được phen kinh sợ khi nghe tin bà mẹ ôm 2 con nhảy sông ở Nghi Sơn, Thanh Hóa. Rất may, ba mẹ con họ được cứu kịp thời. Cũng trong tháng 5, có vài vụ mẹ con, cha con cùng chết khác và đang được nghi là do tự tử.
Ngộ nhận về quyền cha mẹ
Sau này khi cơn khủng hoảng qua đi, nhìn 2 trẻ khỏe mạnh, ngoan ngoãn, bà mẹ ở Nghi Sơn hẳn sẽ phải cắn rứt, ám ảnh suốt đời về quyết định tước đoạt cuộc sống của con hôm đó, về chuyện chính những người xa lạ đã giành lại sinh mạng con mình từ tay mình. Người mẹ này, cũng như nhiều phụ huynh ôm con tự tử khác, có lẽ vẫn yêu thương con, ý định “mang con đi theo” có lẽ xuất phát từ các nguyên nhân không liên quan đến đứa trẻ.
Trong lúc tuyệt vọng, bế tắc và quyết định quyên sinh, nhiều người suy nghĩ tiêu cực rằng cuộc sống quá khổ đau nên mang con theo để cùng giải thoát, để gia đình được bên nhau ở thế giới bên kia, hoặc không muốn để con côi cút một mình không ai nuôi nấng, chăm sóc… Có những kẻ bị nỗi sân hận làm mờ mắt, ép con cùng chết như một cách trừng phạt những người sống, bắt họ phải day dứt, đau đớn suốt đời.
Chẳng có gì biện minh được cho những hành động mù quáng và tàn nhẫn, độc ác đó, hành động bắt nguồn từ sự ngộ nhận tối tăm về quyền làm cha mẹ.
Nhiều người tưởng rằng mình mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi con thì có toàn quyền với con, được kiểm soát, chi phối chuyện con học gì, làm nghề gì, yêu ai, lấy ai. Kinh khủng hơn, như trong các vụ ôm con tự tử, họ còn tự cho mình quyền định đoạt chuyện sinh tử của con.
Không! Không ai trên đời này có quyền tước đi mạng sống của người khác, quyền quyết định một người có nên và có được sống tiếp hay không. Cha mẹ đưa con cái đến thế giới này, nhưng sinh mạng, cuộc đời đứa con không thuộc quyền sở hữu của họ.
Tội ác giết người
Ngoại trừ trường hợp người mẹ trầm cảm sau sinh khiến hành động bị cơn bệnh kiểm soát, ôm con tự tử chính là tội ác giết người. Họ cần bị truy tố trách nhiệm hình sự nếu không chết. Không thể vì thông cảm, thương hại cho những đau khổ, cho hoàn cảnh bế tắc của họ ở thời điểm đó mà bỏ qua hay xử nhẹ, vì những đứa trẻ vô tội mới là đáng thương nhất, cần được cứu vớt, bảo vệ nhất.
Ở những nước có nền phúc lợi xã hội tốt, ngoài hình phạt tù, những phụ huynh tội lỗi đó còn bị tước quyền làm cha mẹ, thậm chí cấm đến gần, vì chính họ đã trở thành mối nguy hiểm, sự đe dọa đối với đứa con.
Giết người là đại tội, giết chính đứa con mình rứt ruột đẻ ra, vẫn luôn yêu thương, tin cậy, phó thác cho mình thì tội lỗi càng nhân lên nhiều lần.
Đó là chưa kể, tự chấm dứt mạng sống của mình cũng là làm ác. Không phải vô cớ mà các tôn giáo lớn trên thế giới đều liệt tự sát vào danh sách những đại tội khó dung thứ, khiến linh hồn con người bị đày vào địa ngục và chịu nhiều thống khổ, trừng phạt khủng khiếp trước khi được cứu rỗi hay siêu sinh.
Phải làm sao để không còn những vụ tự sát kéo theo con cái? Ngoài việc trừng phạt bằng luật pháp, cả xã hội phải vào cuộc để cắt đứt nguồn cơn gây nên tình trạng đó: Sự lệch lạc, sai trái trong nhận thức do ngộ nhận về quyền làm cha mẹ; sự yếu kém về kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết khủng hoảng, quản lý cuộc sống của bản thân và gia đình. Các tổ chức xã hội, cơ quan chức năng… cần đẩy mạnh việc giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống trong cộng đồng. Trong các gia đình, điều quan trọng nhất là duy trì sự kết nối mật thiết, để không ai phải cô đơn khi lâm vào cảnh bế tắc, tuyệt vọng, dẫn đến hành động ngu ngốc biến bản thân mình thành kẻ gây tội ác.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.