Làm hư nhà dân rồi né trách nhiệm?
Trong đơn gửi Báo Phụ Nữ TP.HCM, đại diện các hộ dân ở khu vực nói trên phản ánh, dự án D’Edge Thảo Điền do Công ty TNHH Capitaland Thanh Niên làm chủ đầu tư. khởi công xây dựng vào khoảng cuối năm 2017 nhưng tình trạng nhà dân bị hư hại chỉ mới xảy ra từ hai tháng nay, khi đơn vị thi công bắt đầu đóng cọc tầng hầm công trình.
Khi tầng hầm dự án bắt đầu được thi công, nhiều nhà dân xung quanh đã có dấu hiệu rung lắc. Người dân đã báo đơn vị thi công, yêu cầu có biện pháp đảm bảo an toàn. Đại diện đơn vị thi công là Công ty TNHH xây dựng Tuấn Lê bảo đảm với dân, sẽ không xảy ra lún, nứt. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, hàng loạt căn nhà bị lún, nứt. Người dân yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công ngay để tìm biện pháp khắc phục, nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công chỉ ỡm ờ cho qua chuyện.
Tường nhà dân bị xé toạc ra
Hơn một tháng sau, hàng loạt căn nhà bị xuống cấp nghiêm trọng. Người dân đã phản ánh tình trạng trên đến UBND phường, quận và Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, đề nghị có biện pháp xử lý nghiêm chủ đầu tư. Đại diện các cơ quan này đã đến khảo sát, lập biên bản, nhưng tình hình vẫn không thay đổi. “Dự án vẫn ngang nhiên thi công, còn chủ đầu tư ngang ngược cho rằng, nhà chúng tôi lún, nứt chưa chắc là do dự án của họ gây ra và không chịu đền bù. Thật vô trách nhiệm” - anh H., chủ một hộ dân bị ảnh hưởng bức xúc.
Đường sá sụt lún
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện có khoảng trên dưới 10 nhà dân ở cạnh dự án đang bị lún, nứt nghiêm trọng, nhiều nền nhà lún sâu xuống gần nửa mét. Một số nhà bị xé toạc tường, vết nứt hở 5-6cm, lòi cả sắt ra ngoài. Một số nhà bong tróc gạch, xà nhà bị cong vênh, có nguy cơ sập rất cao. Nhiều hộ dân phải dọn nhà đến ở nhờ nhà người thân để lánh nạn.
“Bê tông và gạch vỡ đã rơi xuống. Rất may là gia đình chúng tôi chưa có ai bị thương. Cứ tối đến là cả nhà phải đến nhà người thân tá túc vì sợ nhà có thể sập bất cứ lúc nào” - chị T., một chủ hộ tại đây, lo lắng. Người dân cho biết, họ cần tiền để sửa chữa nhà ngay nhưng chủ đầu tư cứ đòi chờ giám định, trong khi các cơ quan chức năng không chịu đình chỉ thi công dự án để buộc chủ đầu tư khắc phục hậu quả. Họ đặt vấn đề: nếu có chuyện gì xảy ra, ai phải chịu trách nhiệm?
Xử lý nửa vời, thoải mái thi công
Ngày 17/4, UBND P.Thảo Điền đã tổ chức buổi làm việc giữa các hộ dân, đơn vị thi công, chủ đầu tư và Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM. Tại cuộc họp, các cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công phải thỏa thuận với từng hộ dân về phương án xử lý trong vòng 5 ngày. Tuy nhiên, hết thời hạn nói trên, đại diện chủ đầu tư vẫn không đưa ra giải pháp bồi thường mà cho rằng chưa khẳng định được nguyên nhân gây lún, nứt nhà nên họ sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập xác định nguyên nhân và yêu cầu người dân tiếp tục chờ.
Thi công làm lún, nứt nhà dân nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công
Trước phản ứng gay gắt của người dân, ngày 2/5, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã lập biên bản, đề nghị dự án ngưng thi công và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình bị ảnh hưởng. Thế nhưng, theo các cư dân, chủ đầu tư vẫn cho thi công. Ngày 7/5, UBND P.Thảo Điền ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công tạm ngừng thi công dự án, nhưng việc thi công vẫn diễn ra rầm rộ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc chủ đầu tư dự án “ầu ơ” trách nhiệm với dân và ngang nhiên thi công dù công trình đã bị đình chỉ là do cách xử lý nửa vời của các cơ quan có trách nhiệm. Thay vì đình chỉ thi công toàn bộ công trình thì Thanh tra Sở Xây dựng và UBND P.Thảo Điền lại chỉ yêu cầu ngưng thi công một phần dự án tiếp giáp với các công trình bị lún, nứt.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM), tại điểm c, khoản 11, điều 11, nghị định 139/2017 quy định rõ, trường hợp công trình xây dựng gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư phải dừng thi công xây dựng công trình và có biện pháp di dời ngay người và tài sản của công trình lân cận. Trong thời gian này, chủ đầu tư có trách nhiệm thuê và trả chi phí thuê nhà cho bên bị thiệt hại. Nhà được thuê phải đảm bảo các yếu tố về khoảng cách đi lại, diện tích, hạ tầng xã hội để bên bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Nếu bên bị thiệt hại tự tìm chỗ ở có điều kiện sống tương đương nơi ở bị ảnh hưởng thì chủ đầu tư có trách nhiệm trả cho bên bị thiệt hại số tiền tương ứng với số tiền thuê nhà và chi phí di chuyển tài sản.
Việc bồi thường thiệt hại do bên chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận; trường hợp các bên không thỏa thuận được thì khởi kiện ra tòa. Bên vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận và đã hoàn thành việc bồi thường thiệt hại.
Như vậy, quy định pháp luật hiện nay bắt buộc dự án làm hư hỏng công trình lân cận phải bị đình chỉ thi công toàn bộ, không hề cho phép chủ đầu tư chỉ bị đình chỉ thi công một phần công trình. Cách xử lý của các cơ quan chức năng chẳng khác nào đã “ưu ái” cho chủ đầu tư tiếp tục thi công, thoái thác trách nhiệm với người dân.
Phan Trí - Bích Trần/Phụ nữ