Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 25/2/2022, chỉ số đồng đô la Mỹ - US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) - trên thị trường quốc tế đạt mức 95,92 điểm, tăng 0,01% so với tháng trước. Tại thị trường trong nước, giá đồng USD bình quân trên thị trường tự do dao động quanh mức 22.900 VND/USD.
Đến 9/3/2022, chỉ số đồng đô la Mỹ đạt 99,126 điểm. Dù có dấu hiệu hạ nhiệt trong mấy phiên gần đây, song đồng bạc xanh vẫn đang neo ở mức cao trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine đe dọa triển vọng tăng trưởng của châu Âu, khiến đồng tiền chủ chốt Euro mất giá. Đồng tiền chung châu Âu đã giảm tới 4% so với đồng bạc xanh kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Giá USD vẫn đang ở đỉnh cao do nhà đầu tư tiếp tục đối mặt với giá hàng hóa tăng cao và đà giảm tốc tăng trưởng kinh tế do cuộc triển khai quân sự của Nga vào Ukraine.
Các thị trường hiện đang chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến diễn ra vào tuần tới. Trước đó, Chủ tịch FED Jerome Powell đã phát đi tín hiệu ủng hộ việc tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, đồng thời khẳng định FED sẽ hành động mạnh mẽ hơn nếu lạm phát không giảm.
Trong khi đó, xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã khiến giá các mặt hàng xuất khẩu của nước này như kim loại quý, dầu và khí đốt tăng vọt vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang phải vật lộn với áp lực lạm phát.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 9/3 công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.172 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.050 VND/USD. Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.430 đồng/USD và bán ra 23.480 đồng/USD.
Như vậy, hiện đồng USD đang ở mức cao, và điều này ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế trong nước. Đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác trên thế giới đã, đang và sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó đáng lưu ý là sẽ tác động đến một số lĩnh vực như xuất khẩu, nhập khẩu; nợ công; dòng vốn đầu tư, đặc biệt là dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Theo nhận định của chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, đồng USD mạnh sẽ làm tăng tỷ giá của VND đối với USD, có lợi cho xuất khẩu nhưng lại bất lợi cho nhập khầu vì hàng nhập khẩu sẽ trở nên đắt hơn với tỷ giá USD tăng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá trị USD tăng cũng làm tăng nợ công nước ngoài nếu tính ra VND. Tuy nhiên, USD tăng giá lại có tác dụng tích cực cho đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong 2 tháng đầu năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD. Đối với xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, chỉ tính riêng trong tháng 2/2022, thị trường lớn nhất của Việt Nam vẫn tiếp tục là Mỹ, với kim ngạch đạt trên 2,3 tỷ USD.
Sự gắn kết giữa đồng USD và VND ngày càng mạnh nên xuất nhập khẩu của Việt Nam chịu tác động ngày càng lớn khi đồng USD biến động. Đồng USD tăng giá, các doanh nghiệp xuất khẩu như thủy sản, dệt may… sẽ được hưởng lợi, đặc biệt là các ngành hàng xuất khẩu chủ yếu dùng nguyên vật liệu trong nước. Trái lại, các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu như vận tải biển, dược phẩm, xi măng…và các doanh nghiệp vay nợ bằng đồng USD sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do chi phí sử dụng vốn tăng.
Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá còn có thể ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính tại các nước có nợ bằng đồng USD, trong đó có Việt Nam, do khi đồng USD lên giá thì nợ ngoại tệ tính bằng VND sẽ tăng cao, kéo theo số trả nợ sẽ cao. Những doanh nghiệp vay ngoại tệ có chi phí vay vốn và trả lãi tính bằng VND sẽ tăng, làm giảm lãi suất hoặc tăng lỗ, khi đó Việt Nam sẽ phải mất nhiều nội tệ hơn để trả nợ. Thêm vào đó, nếu động thái kích thích tài khóa của Mỹ dẫn đến nợ công của nước này trong dài hạn cao hơn thì sẽ làm cho lãi suất toàn cầu tăng, từ đó ảnh hưởng tới Việt Nam thông qua việc thắt chặt các điều kiện tài chính./.