Bác sĩ chuyên khoa II da liễu Lê Thị Chi Phương, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, mùa đông là thời điểm chị thường xuyên tư vấn cho nhiều bệnh nhân gặp tình trạng nứt nẻ khóe miệng. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến việc ăn uống mà còn bị đau rát khó chịu khi nói chuyện.
Mùa đông thời tiết hanh khô, lạnh giá, nhiều người nghĩ rằng do cơ thể nóng trong gây ra, nhưng thực chất điều đó không hoàn toàn là vậy.
Nứt khóe miệng thực chất là bệnh viêm, thường có các triệu chứng như lở loét, chảy mủ, bong tróc ở khóe miệng, nóng nhiệt chỉ là một trong những nguyên nhân, còn có thể do nguyên nhân khác, vì vậy cần chú ý xem xét kỹ.
Thời tiết khô hanh, thiếu ẩm
Khí hậu khô hanh vào mùa đông là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng nứt nẻ môi. Điều kiện khí hậu khiến lượng dầu tiết ra quanh môi giảm đi, da thiếu nước nên da và niêm mạc sẽ bị rạn nứt, gây viêm góc môi.
Bên cạnh đó, trời lạnh, khả năng miễn dịch của cơ thể hạ thấp, sau khi khóe môi lở loét, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây nhiễm trùng.
Cơ địa có phản ứng dị ứng
Một số người cơ địa dị ứng, ăn thực phẩm dễ bị dị ứng sẽ gây kích ứng môi, như các loại trái cây như xoài, kiwi có thể chứa thành phần gây kích ứng niêm mạc, da môi. Ngoài ra, một số trường hợp sử dụng mỹ phẩm không đúng cách, kém chất lượng, chứa chất phụ gia cũng có thể gây dị ứng da môi và dẫn đến viêm khóe miệng.
Chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt một số chất thiết yếu nào đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh viêm khóe miệng.
Hiện nay, xã hội phát triển nhanh, nhiều người thích gọi đồ ăn mang về, những đồ ăn này có hương vị tương đối đậm để đảm bảo ngon miệng và hầu hết đều được làm từ ngũ cốc tinh chế, thiếu cân bằng dinh dưỡng. Ăn như vậy lâu ngày dễ bị thiếu dinh dưỡng.
Không những thế, nhiều người không thích ăn rau, lượng ngũ cốc ăn vào tương đối ít cũng dễ dẫn đến thiếu vitamin, dễ gây viêm khóe môi.
Duy trì những thói quen xấu
Một số người thích liếm môi, đặc biệt là khi thời tiết khô hanh. Điều này có thể khiến môi bạn bị khô nhiều hơn sau khi liếm. Nguyên nhân chính là do nước bọt của chúng ta chứa muối vô cơ, khoáng chất và các chất khác, có thể lấy đi độ ẩm của da.
Ngoài ra, các enzym trong nước bọt cũng có thể kích thích lên bề mặt môi, da môi tương đối mỏng manh nên dễ gây viêm môi. Tuy đây không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng một khi vào mùa đông hanh khô, tình trạng này xuất hiện sẽ rất khó chịu, vì vậy vẫn cần đề phòng.
Bạn cần nhớ, đảm bảo uống khoảng 1500ml nước mỗi ngày, bổ sung đa dạng dinh dưỡng, ăn nhiều ngũ cốc thô chứa protein và vitamin, ăn ít đồ tinh chế, không gọi đồ ăn sẵn quá nhiều, nấu ăn giảm bớt hạt tiêu, từ bỏ thói quen xấu, không liếm môi thường xuyên.
Bạn cũng chú ý dùng son dưỡng môi khi miệng bị khô, có thể ngăn ngừa tình trạng nứt nẻ.