Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thị trường BĐS ảm đạm nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.
Theo đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn trong tám tháng đầu năm nay là 34.288 doanh nghiệp, tăng 70,8% với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể với lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống trong thời gian trên có đến 1.918 doanh nghiệp đăng ký tạm rời thị trường, tăng 89,7% so với cùng kỳ. Đối với lĩnh vực dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác có đến 1.927 doanh nghiệp tạm ngừng, tăng 85,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hay đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác có đến 2.015 doanh nghiệp tạm rời thị trường trong tình hình khó khăn này, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất trong tám tháng vừa qua rơi vào doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Dù cùng thời gian trên số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đăng ký rời thị trường là 923 doanh nghiệp nhưng lại là lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 136,1%).
Giới quan sát cho rằng đây là một tỷ lệ rời thị trường rất cao so với mức tăng trung bình trong 8 tháng vừa qua là khoảng 70%. Hay mảng kinh doanh có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cao vị trí thứ hai là doanh nghiệp về giáo dục và đào tạo cũng chưa tới mức 100% (với 612 doanh nghiệp, tăng 95,5%).
Không chỉ dừng lại tạm ngừng kinh doanh mà lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng có tỷ lệ hoàn tất giải thể cao nhất.
Cụ thể trong cùng thời gian nói trên, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 10.353 doanh nghiệp thì kinh doanh bất động sản có 620 doanh nghiệp, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong số các lĩnh vực có doanh nghiệp giải thế trong tám tháng đầu năm nay.
Doanh nghiệp hoạt động trong mảng sản xuất phân phối, điện, nước, gas và lĩnh vực giáo dục và đào tạo có số lượng hoàn tất giải thể cũng tăng cao nhưng với tỷ lệ tăng lần lượt là 40,9% và 30,3%.
Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, ngay lập tức nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản hoặc sàn giao dịch bất động sản của các doanh nghiệp phải đóng cửa do khó khăn trong kinh doanh và thiếu "hàng hóa" để bán.
Trên thực tế, sự khó khăn của thị trường do thiếu nguồn cung, nhiều dự án đình trệ không chỉ bởi vì nguyên nhân cạn kiệt quỹ đất trung tâm các thành phố lớn, hoặc do quá trình thanh kiểm tra của cơ quan chức năng mà còn đến từ dịch bệnh Covid-19.
Do ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh tại các sự kiện tụ tập đông người, nhiều hoạt động chào bán, mở bán hoặc các buổi giới thiệu sản phẩm ra thị trường của chủ đầu tư lẫn nhà phân phối đều không thể thực hiện hoặc giảm rõ rệt.
Bên cạnh sự trầm lắng, thậm chí “đổ vỡ” đối với những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính quá cao hoặc đang “ôm hàng” thì bất động sản vẫn được xem là “kênh trú ẩn” an toàn.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 2, theo nhận định của nhiều chuyên gia và nhà phân tích, Việt Nam đã có kinh nghiệm hơn, thái độ chống dịch của người dân cũng chủ động hơn, không có sự hoảng loạn.