Tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 24 vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến có đề xuất kéo dài thời hạn cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam đến hết 31/12/2018.
Dự thảo Thông tư cho biết, các khách hàng vay này phải có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ. Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng phải bán số ngoại tệ vay đó cho ngân hàng theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Sẽ gia hạn cho vay ngoại tệ đến 2018. |
Để lý giải cho việc gia hạn vay ngoại tệ của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn và trong thời gian tới cần tiếp tục được hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ. Trong khi đó, doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ để trả nợ vay nên việc cho vay bằng ngoại tệ ảnh hưởng không lớn đến thanh khoản ngoại tệ của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, trong bối cảnh chênh lệch lãi suất cho vay bằng VND cao hơn lãi suất cho vay bằng ngoại tệ (khoảng 3%), việc cho vay bằng ngoại tệ với lãi suất thấp hơn giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí vay vốn, góp phần giảm giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, phù hợp với chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, việc cho vay bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá xuất khẩu giúp cho các ngân hàng có cơ hội quản lý và thu hút được nguồn ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu, khách hàng không bị rủi ro về tỷ giá.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận thấy cần tiếp tục duy trì việc cho vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất hàng xuất khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí vay vốn, tăng khả năng cạnh tranh theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, việc này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian tiếp cận dần với các sản phẩm phái sinh tỷ giá, lãi suất và giá cả hàng hóa để phòng ngừa rủi ro tỷ giá và rủi ro khác liên quan.
Trước đó Thông tư số 24 ban hành năm 2015 cho phép các ngân hàng được cho vay bằng ngoại tệ ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước... đến hết ngày 31/3/2016.
Tại Thông tư 31/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nới thời hạn cho vay ngoại tệ ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay đến hết ngày 31/12/2017.
Nay nếu dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung 24 được thông qua, đây là lần thứ ba Ngân hàng Nhà nước nới thời hạn cho vay ngắn hạn ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán trong nước tới hết năm 2018.
Thanh Lê/vnexpress