Ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhắc lại mong muốn chỉ nên có một hội ngành nghề nước mắm trong cả nước.
Trước đó, ngày 9-5, Ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam đã được tham gia cuộc họp do Bộ Nội vụ tổ chức về việc thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam và Hiệp hội Nước mắm Việt Nam. Tại cuộc họp này, ý kiến của nhiều bộ (Tư pháp, Công an,…) về cơ quan duy nhất có thẩm quyền và trách nhiệm pháp lý thành lập ban vận động thành lập Hiệp hội ngành nghề nước mắm là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là bộ ký quyết định thành lập Ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam trong khi Bộ Y tế lại ký quyết định thành lập Ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam.
Về tên gọi "Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam", ban vận động giải thích nhằm nhắc nhở và giữ gìn nghề sản xuất có lịch sử trên 200 năm, gắn bó với văn hóa, quê hương, hồn cốt Việt Nam. Tên gọi này cũng liên quan đến việc bảo hộ sở hữu trí tuệ và được đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Người tiêu dùng TP HCM tìm hiểu các sản phẩm nước mắm truyền thống
Cũng liên quan đến cụm từ "nước mắm truyền thống" không có trong các văn bản pháp luật, ban vận động giải thích trước giờ người dân và chính quyền hiểu nước mắm là tên gọi sản phẩm lâu đời của Việt Nam sản xuất bằng cá và muối. Trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 02-16/2012 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành giải thích: "Nước mắm là dung dịch đạm được tạo thành từ quá trình lên men hỗn hợp cá và muối". Định nghĩa này phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5107:2003 về nước mắm do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, nêu rõ yêu cầu về nguyên liệu sản xuất nước mắm gồm: cá tươi và muối ăn.
Thế nhưng, năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ lại ban hành TCVN 5107:2018 về nước mắm, hủy bỏ hiệu lực thi hành bộ tiêu chuẩn về nước mắm năm 2003 trong đó lần đầu đưa ra định nghĩa về "nước mắm nguyên chất" gồm cá và muối và nước mắm là sản phẩm được chế biến từ nước mắm nguyên chất, có thể bổ sung nước muối, đường, phụ gia thực phẩm, có thể được điều chỉnh màu và mùi. Do cụm từ "nước mắm" theo cách hiểu truyền thống đã bị tước đoạt nên cộng đồng sản xuất nước mắm truyền thống phải đưa thêm từ "truyền thống" để làm rõ sự khác biệt và tăng nhận biết cho người tiêu dùng.
Tháng 4 vừa qua, Ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam cũng có văn bản gửi Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội xung quanh tiêu chuẩn, quy chuẩn nước mắm và đề cập đến việc Bộ Nội vụ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quan điểm sẽ cho thành lập 2 hội gồm: Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam và Hiệp hội Nước mắm Việt Nam.
Ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam cho rằng nếu cho lập 2 hội, thế yếu sẽ thuộc về các nhà sản xuất truyền thống vì sản xuất của họ lợi nhuận thấp, không có kinh phí cho truyền thông, quảng bá. Trong khi đó, nước mắm pha chế hay còn gọi là nước mắm công nghiệp là sản phẩm phái sinh của nước mắm truyền thống; công nghiệp pha chế nước mắm là nơi tiêu thụ nước mắm truyền thống thấp đạm.
Do đó, Ban vận động Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam đề xuất phương thức để doanh nghiệp (DN) nước mắm truyền thống và DN nước mắm pha chế có thể nằm chung một hiệp hội là điều lệ ghi rõ "bắt buộc phải có tỉ lệ 51% ban chấp hành và ban thường vụ là đại diện của nước mắm truyền thống, chủ tịch Hiệp hội luân phiên giữa đại diện DN nước mắm truyền thống và DN nước mắm pha chế. Trường hợp chủ tịch Hiệp hội là đại diện DN nước mắm pha chế thì phó chủ tịch là đại diện nước mắm truyền thống".
Quy định này nhằm bảo vệ sản phẩm truyền thống, các hội viên lớn, giàu có không chèn ép hội viên nhỏ như cách Pháp đã làm với sản phẩm rượu Cognac, Bordeaux; Nauy với cá hồi và New Zealand với quả kiwi,…