Dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, DN tại vùng ĐBSCL. Nhiều DN tạm ngưng hoạt động đã khiến cho hàng ngàn công nhân tạm thời mất việc làm. Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho thấy, kể từ khi Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 4 đến nay, toàn bộ 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã phải “đóng băng” hoạt động sản xuất kinh doanh.
Loay hoay chọn cách “sống chung”
Trong 3 tháng qua, có gần 90% DN trong vùng ĐBSCL tạm ngừng hoạt động. Các DN có thể duy trì hoạt động thực hiện “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ” cũng chỉ sản xuất từ 5% -10% công suất. Tại tỉnh Đồng Tháp, không chỉ dừng lại ở vấn đề hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hương mà chuỗi cung ứng từ cánh đồng đến nhà máy bị đứt gãy khiến nhiều DN sản xuất cầm chừng, việc duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” rồi đến “4 tại chỗ” đã khiến nhiều DN tăng chi phí trong khi năng suất đạt từ 30 - 50%.
Theo bà Trần Thị Đào, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Imexpharm tỉnh Đồng Tháp, khó khăn đã thấy rõ nhưng DN cũng cần phải thích ứng, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh và phương án phải sống chung với Covid-19 là điều không thể tránh khỏi trong giai đoạn hiện nay.
“DN đã tiến hành tổ chức 3 – 4 tại chỗ thực ở 4 nhà máy nhưng chi phí tăng lên mức từ 1,2 tỷ - 1,5 tỷ thậm chí 2 tỷ mỗi tháng chỉ trong 3 tháng vừa qua. Trong các giải pháp thích ứng và khôi phục hiệu quả nhất hiện nay, các DN không nên hi vọng sẽ không có Covid-19 mà cần nghĩ cách sống chung với Covid-19”, bà Đào bày tỏ.
Chi phí logistics tăng cao, quá sức chịu đựng.
Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường, xã Tắc Vân, TP Cà Mau chuyên chế biến tôm xuất khẩu. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, một bộ phận công nhân ở tỉnh Bạc Liêu không thể qua làm việc, nhiều nhân viên cũng xin nghỉ nên thiếu nhân lực. Bên cạnh đó, DN còn phải thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” nên chi phí sản xuất tăng cao. Riêng chi phí cứ 3 ngày phải test Covid-19 cho công nhân đã tiêu tốn của khoảng 20 triệu đồng/lần test. Đặc biệt, chi phí logistics tăng mạnh khi đưa hàng sang châu Âu tăng tới tới 7 lần.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường cho biết, trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, mỗi container đến các nước EU tốn khoảng 40 triệu đồng thì nay tăng lên gần 300 triệu đồng. Chi phí sản xuất, vận chuyển đều tăng cao đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhưng các chính sách hỗ trợ thì chưa thấy.
“Thị trường và đơn hàng nhiều nhưng không đủ công nhân để thực hiện. Các gói hỗ trợ DN vẫn chưa được tiếp cận, ngoài việc Bộ Công Thương cam kết hỗ trợ tiền điện 10% trong 3 tháng nhưng chưa có chỉ đạo nên điện lực cho biết chưa giảm, chừng nào giảm sẽ báo, còn giờ vẫn phải đóng. Những chỉ đạo ở trên rất đúng và kịp thời nhưng chưa đi vào thực tế, thêm đó là vấn đề vận chuyển hàng hóa, Bộ Giao thông đã chỉ đạo nhưng mỗi vẫn thực hiện theo cách khác nhau”, ông Tuấn phân trần.
Không chỉ gần 30 DN chế biến, xuất khẩu tôm ở Cà Mau đều gặp những khó khăn cơ bản như vừa nêu, mà gần như toàn bộ khoảng 4.000 DN ở địa phương này đang phải chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. “Hạn chế nhất hiện nay của DN là vấn đề thị trường, thiếu vốn, bị đóng cửa, không có đầu vào cũng không có đầu ra. Nếu để DN phục hồi được sau dịch, nhà nước cần có chính sách giãn các nghĩa vụ như thuế hoặc cho kéo dài thời gian”, ông Lê Hoàng Phước, Chủ tịch Hiệp hội DN Cà Mau cho biết.
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề, song trước bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các DN trong vùng ĐBSCL cũng đã chuẩn bị tâm thế để từng bước vượt qua khó khăn, bước vào giai đoạn tái sản xuất, thích ứng và khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Theo ông Hồ Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Đồng Tháp, dịch bệnh từng nơi sẽ khác nhau nhưng DN cần phải chọn hướng tiếp cận phù hợp trong bối cảnh hiện nay và việc thích nghi với Covid-19 để tiếp tục sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
“Điều quan trọng nhất là chính quyền, DN cũng như người dân sẽ có những điểm chung, cách ứng xử chung và tiệm cận với nhau. Để có một giải pháp tối ưu sẽ là rất khó, nên tìm những điểm gần với nhau để cùng nhau phục hồi sản xuất, trong quá trình làm nếu phát sinh gì sẽ tiếp tục tháo gỡ”, ông Dũng đặt vấn đề.
Những khó khăn từ tác động tiêu cực của dịch bệnh đến lĩnh vực kinh tế đã thấy rõ. Vấn đề cấp thiết đặt ra lúc này là kịch bản phục hồi, thích nghi và sống chung với dịch Covid-19 để quay trở lại tái họat động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, DN cũng cần thay đổi để tận dụng, nắm bắt cơ hội ở các Hiệp định tự do thế hệ mới, khi các thị trường trọng điểm về xuất khẩu đang dần hồi phục và những cơ hội này sẽ có nhiều thuận lợi để bứt phá trong giai đoạn tới.
"Bão Covid-19" dần đi qua cũng là lúc nhiều DN trong vùng xây dựng “kịch bản” tái thiết. Ở bài viết sau, nhóm tác giả sẽ đề cập những cơ hội và thách thức của bối cảnh mới; vấn đề liên kết vùng để xây dựng ngành hàng chủ lực của ĐBSCL phục vụ nhu cầu thị trường xuất khẩu giai đoạn phục hồi, tái sản xuất sau dịch Covid-19./.
ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước với các thế mạnh về thủy sản, trái cây, lúa gạo. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã khiến khoảng 90% số doanh nghiệp (DN) trong vùng phải tạm ngừng hoạt động. Việc duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” rồi đến “4 tại chỗ” khiến DN đội chi phí trong khi năng suất chỉ đạt từ 30% - 50%. Khó khăn là thế, nhưng các DN vùng ĐBSCL đang từng bước nỗ lực, khắc phục để bắt nhịp vào xu thế chung, lấy đà khôi phục lại hoạt động. Trong loạt bài “ĐBSCL nỗ lực phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt hậu giãn cách” sẽ đề cập đến khó khăn, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp, những kiến nghị để khôi phục sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn tới. |