Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, cơ quan này đã ghi nhận tình hình thực tế ở Ấn Độ và cho thấy để kiềm chế đại dịch Covid-19 một cách nhanh chóng, hiệu quả, bên cạnh việc đẩy nhanh công tác tiêm vắc-xin, việc tìm thuốc điều trị khẩn cấp cho bệnh nhân nặng cũng hết sức quan trọng.
Tại Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã thành lập "Nhóm phản ứng nhanh về thuốc và Vắc-xin" huy động Thương vụ, cán bộ phụ trách kinh tế của Đại sứ quán và phòng khoa học công nghệ và lực lượng chủ chốt của Đại sứ quán vào cuộc.
Đại sứ Phạm Sanh Châu làm việc với công ty dược tại Ấn Độ - Ảnh: Thương vụ Việt Nam tai Ấn Độ cung cấp
Sau thời gian làm việc tích cực với rất nhiều công ty dược phẩm lớn ở Ấn Độ như Hetero, Dr. Reddy, Cipla, Jubilant, Mylan, Zydus và Cadila… các doanh nghiệp này cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam khoảng 1 triệu liều thuốc điều trị Covid-19 Remdesivir trong vòng 30 ngày tới.
Trong các buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương Ấn Độ, phía bạn cho biết sẽ xem xét tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp Ấn Độ hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết thêm do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và gây ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của người dân Ấn Độ dịp cuối tháng 4 đầu tháng 5-2021, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng thuốc, sau đó được nới lỏng thành hạn chế xuất khẩu vào ngày 14-6 vừa qua.
"Để được xuất khẩu, doanh nghiệp cần hoàn thiện thủ tục tại Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ hoặc các văn phòng đặt tại các trung tâm kinh tế lớn" - Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho hay.
Liên quan đến việc này, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết đồng hành với các cơ quan chức năng và người dân trong nước, các cán bộ và nhân viên trong Đại sứ quán đang làm việc với 200% công suất, thực hiện 7 đến 10 buổi làm việc cuộc gặp trực tuyến mỗi ngày, tranh thủ từng giờ từng phút với mong muốn các bệnh nhân sớm có thuốc điều trị kịp thời.