Đây không chỉ là dịp để Lào đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm cà phê đến với bạn bè quốc tế mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thị trường này.
Trong số 50 gian hàng trưng bày các sản phẩm cà phê, trà và nông sản tại lễ hội, có 3 gian hàng giới thiệu các sản phẩm cà phê của các doanh nghiệp Việt Nam đến từ Đà Nẵng, Đắc Lắk và Bình Phước.
Ông Trần Quốc Danh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Danh An Phát – một công ty phân phối cà phê tại Thành phố Đà Nẵng cho biết đã nhiều lần sang Lào quảng bá các sản phẩm cà phê của công ty. Tuy nhiên, để thâm nhập thị trường Lào thì các doanh nghiệp cà phê Việt phải có các sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng Lào với giá cả cạnh tranh.
"Doanh nghiệp muốn cạnh tranh tại Lào thì chỉ có cà phê hoà tan, ở bên này người ta đang chú trọng cafe hoà tan liên quan đến sức khoẻ như cà phê hoà tan nhân sâm, cà phê hoà tan linh chi những sản phẩm đó sẽ bán chạy hơn" - ông Trần Quốc Danh nói.
Theo Hiệp hội sản xuất cà phê Lào, hầu hết các sản phẩm cà phê được mang đến lễ hội đều là cà phê hữu cơ. Đây là một trong những thế mạnh của người trồng cà phê ở khu vực Cao nguyên Bolaven ở Nam Lào. Bà Bounheuang Carol Litdang, Chủ tịch Hiệp hội Hợp tác xã cà phê Lào cho biết trong 10 nước ASEAN chỉ có 4 nước trồng cà phê trong đó có Lào. Vì vậy, để tạo ra thế mạnh và tính cạnh tranh, nên chọn phát triển cà phê hữu cơ.
"Việc phát triển cà phê hữu cơ không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày một cao của thị trường về cà phê hữu cơ, mà còn giúp chúng tôi xuất khẩu được cà phê với giá cao" - bà Bounheuang Carol Litdang nói.
Cà phê là một trong những sản phẩm được Chính phủ Lào khuyến khích mở rộng sản xuất và tăng cường xuất khẩu nhằm góp phần phát triển kinh tế đất nước. Hiện các sản phẩm cà phê Lào đã có mặt ở 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2022, nước này xuất khẩu hơn 22 nghìn tấn cà phê hạt, có tổng giá trị trên 67 triệu USD./.