Từ 0 giờ ngày 23/8, TP Hồ Chí Minh bắt đầu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Nhằm hỗ trợ người dân trên địa bàn TP trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các quận, huyện trên địa bàn TP đã đồng loạt triển khai phương thức “đi chợ giúp dân”. Thực tế ghi nhận, mỗi nơi có một cách làm khác nhau, nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế trên từng địa bàn.
Đoàn Thanh niên phường Linh Trung (TP Thủ Đức) đi chợ giúp người dân. Ảnh: Đoàn thanh niên phường Linh Trung cung cấp
Lên đơn là có hàng
Bà Mai Thị Xuân Hương ở tổ dân phố 11, khu phố 1, nhà số 10.24 Kỳ Đồng (phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, từ 22 giờ ngày 22/8, bà đã nhận được thông tin từ tổ dân phố về việc Hội Phụ nữ quận 3 sẽ đi chợ hộ cho người dân trong 15 ngày (từ ngày 23/8 đến ngày 6/9 - NV).
“Chỗ tôi ở, thông tin từ chính quyền đến người dân luôn kịp thời và nhanh chóng. Tôi được biết, chị Nguyễn Thị Thùy Linh - Chủ tịch Hội Phụ nữ quận (điện thoại 0938030703) và chị Lê Thị Duyên (điện thoại 0783386638) sẽ đảm trách, hỗ trợ mua giúp lương thực, thực phẩm thiết yếu như gạo, mì, nước tương, nước mắm, muối, đường, hạt nêm, dầu ăn, rau, củ, quả, thịt, trứng… kể cả trường hợp mua thuốc, mua vật tư y tế cho người dân” - bà Hương cho biết.
Cụ thể, đơn hàng được nhận từ 9 giờ đến 14 giờ ngày hôm trước và trả đơn vào 9 giờ đến 14 giờ ngày hôm sau. Hộ gia đình khi có nhu cầu đặt đơn hàng đi chợ giúp sẽ chuyển số tiền tạm ứng 200.000 đồng vào tài khoản do Hội Phụ nữ chỉ định (như khu vực quận 3 là tài khoản chị Nguyễn Thị Thúy Linh 0721…. 37781 Ngân hàng Vietcombank).
“Được quan tâm, hỗ trợ trong những ngày dịch bệnh, tôi vô cùng biết ơn. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa an tâm trọn vẹn, bởi vì khi đặt hàng mà siêu thị hết hàng hoặc không có mặt hàng đó vào ngày gia đình tôi được đi chợ hộ, thì coi như tuần đó gia đình sẽ thiếu lương thực. Tôi mong các anh chị đi chợ hộ sẽ linh động thay thế bằng loại thực phẩm khác, để dù không đúng nhu cầu, người dân cũng sẽ không bị thiếu thực phẩm” - bà Hương góp ý.
Chị Đỗ Thị Ngọc lên danh sách thực phẩm cần mua để nhờ tổ dân phố 9 khu phố 1, phường 7 (quận Tân Bình) hỗ trợ mua giúp
Tại tổ dân phố 9, khu phố 1, phường 7 (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), chị Đỗ Thị Ngọc cũng chia sẻ, vừa đặt đơn hàng “đi chợ hộ” trị giá 625.000 đồng thông qua tổ dân phố.
“Tôi thống kê những thứ cần mua ra giấy, rồi chụp hình gửi vào nhóm zalo của tổ dân phố để đặt hàng. Nhìn chung mọi thao tác khá đơn giản và dễ thực hiện” - chị Ngọc nói.
Tương tự, chị Dương Thị Diễm Trinh nhà ở tổ 7, ấp 3, phường Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, tổ dân phố nơi chị Trinh đang sinh sống cho phép người dân tự liệt kê những thứ cần mua, và đội ngũ đi chợ hộ sẽ đảm bảo cung ứng đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn ưu tiên cho những mặt hàng thiết yếu.
Trong khi đó, tại tổ 19, phường 8 (quận 6, TP Hồ Chí Minh), chị Nguyễn Thị Kiều Tiên ở số nhà 103/20A đường Văn Thân cho biết, thay vì tự lên danh sách các mặt hàng cần mua, người dân được chọn các combo hàng hoá mà chính quyền đã soạn sẵn.
“Có 4 combo gồm: “combo trứng, sữa”; “combo rau, củ, quả”; “combo thịt, cá”; “combo thực phẩm thiết yếu như dầu ăn, gạo, nước tương, đường, mắm…”. Nhìn chung là rất đầy đủ, tỉ mỉ, chu đáo và giá cả cũng rất bình ổn” - chị Tiên đánh giá.
Phiếu hỗ trợ đi chợ thay người dân của UBND phường 8, quận 6 gồm nhiều combo hàng hoá thiết yếu, giá cả bình ổn
Cũng bằng phương án phối hợp với các siêu thị đưa ra các combo lương thực, thực phẩm trong 1 tuần để người dân lựa chọn đăng ký, UBND phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đưa ra cách thức: Siêu thị AEON sẽ cung cấp 7 gói hàng hóa, trong đó mỗi gói hàng hóa cố định các món và số tiền. Người dân chỉ có thể chọn lựa theo combo dựng sẵn (không thể chọn từng món riêng theo nhu cầu cá nhân).
“Ban đầu phường cung cấp biểu mẫu từng combo, các khu phố phát giấy từng nhà để người dân chọn mua hàng và thu tiền. Ban điều hành khu phố, tổ dân phố sẽ thu lại phiếu đăng ký và tiền, sau đó nộp lên UBND phường để phường tổng hợp gửi siêu thị và cung ứng hàng hóa đến nhà người dân” - chị Nguyễn Thị Nhã, ngụ đường Bình Long cho hay.
Cũng là “đi chợ hộ”, song cư dân tại Chung cư Bàu cát 2, thuộc UBND phường 10, quận Tân Bình lại được hướng dẫn theo một cách thức hoàn toàn khác.
Cụ thể, UBND phường 10 đưa ra cho cư dân chung cư 2 lựa chọn: Thứ nhất là tham gia vào các group mua hàng của hàng cung ứng như cửa hàng Vinmart, cửa hàng Bách hoá xanh…
Phương án "đi chợ hộ" mà UBND phường 10, quận Tân Bình gửi cư dân Chung cư Bàu cát 2
Thứ hai là liên hệ trực tiếp cán bộ công nhân viên phường phụ trách (trong trường hợp gặp khó khăn trong việc đăng ký mua hàng online hoặc qua group mua hàng của hàng cung ứng).
Vẫn còn nhiều lúng túng
Trong khi nhiều quận, huyện đã khởi động “đi chợ hộ” từ ngày 23/8, và đẩy mạnh vào ngày 24/8, thì theo ghi nhận, một số nơi vẫn còn trong trạng thái khá bị động.
Chia sẻ với phóng báo Kinh tế & Đô thị, chị Dương Quỳnh Ly (ngụ phường 7, quận 8, TP Hồ Chí Minh) cho biết, gia đình chị chưa nhận được phiếu hay bất cứ thông tin nào liên quan đến chương trình “đi chợ giúp dân”.
“Tôi có hỏi thăm cửa hàng tiện lợi sát nhà, nhưng họ nói không bán hàng cho người dân nữa, chỉ bán cho tổ trưởng khu phố. Vậy là chính quyền cũng đã có phương án “đi chợ giúp dân”, nhưng có thể là do khá gấp rút, một số người dân ở “vùng xanh” như gia đình tôi chưa nhận được thông tin” - chị Ly chia sẻ.
Vừa nhận được gạo và rau từ UBND phường 13 (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ, chị Trần Thị Sum khẳng định, chưa nhận được thông tin “đi chợ giúp dân” từ cán bộ phường hay tổ dân phố.
“Từ ngày 21/8, tôi đã tranh thủ mua được ít thực phẩm trữ trong tủ lạnh, nên việc “đi chợ hộ” có trễ một chút cũng không sao, gia đình vẫn cầm cự được. Chúng tôi rất cảm thông với cán bộ phường, vì họ quá vất vả trong những ngày chống dịch vừa qua” - chị Sum nói.
Bước vào ngày thứ 2 thực hiện "đi chợ hộ", người dân TP có nhiều lựa chọn mua hàng theo combo, đây là phương thức được nhiều quận, huyện áp dụng
Là một trong những địa bàn triển khai sớm nhất công tác “đi chợ giúp dân”, chiều 24/8, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Đậu An Phúc - Phó Chủ tịch UBND quận 12 đã bộc bạch về những khó khăn, thuận lợi trong hành trình cùng người dân chống dịch Covid-19.
Ông Đậu An Phúc cho biết, cũng giống như nhiều quận, huyện khác trên địa bàn TP, quận 12 bắt đầu từ quy trình liên hệ với các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, từ siêu thị, đến trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… để thống nhất về giá cả, hàng hóa…
“Từ quận gửi đến phường, rồi từng phường sẽ tự thống kê, lên chi tiết combo hàng hoá, sau đó gửi đến người dân để người dân lựa chọn theo nhu cầu và túi tiền của mình. Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên là hai nhóm chính chịu trách nhiệm giao thực phẩm tận nhà cho người dân. Vấn đề thu tiền sẽ linh động, có thể là chuyển khoản, hoặc cũng có thể thu tiền mặt, tuỳ theo điều kiện của người dân. Xuyên suốt quy trình “đi chợ giúp dân” quận 12 quán triệt, luôn luôn đề cao công tác phòng dịch trong mọi tình huống” - ông Đậu An Phúc nói.
Riêng với các hộ nghèo, hộ chính sách, các đối tượng người lao động không có điều kiện, quận 12 đã có sẵn những gói chăm lo, những gói an sinh để hỗ trợ: “Quận 12 sẽ cố gắng lo cho tất cả người dân trên địa bàn, để bà con yên tâm không bị đói, tuân thủ phòng, chống dịch trong giai đoạn quan trọng này” - ông Đậu An Phúc cam kết.
Theo đánh giá của UBND quận 12, trong quá trình thực hiện “đi chợ giúp dân” vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập hiện hữu như: Thời điểm thực hiện quá gấp, chưa có nhiều sự chuẩn bị chu đáo; sự tương tác phối hợp giữa người dân với các đội ngũ cán bộ những ngày đầu còn lúng túng…
Tuy nhiên, ngay khi phát hiện việc qua chốt kiểm soát của nhân viên siêu thị mất quá nhiều thời gian, chiều 23/8, UBND TP Hồ Chí Minh đã ưu tiên không yêu cầu giấy đi đường khi qua chốt kiểm soát dịch. “Đây là một sự khích lệ rất lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công tác “đi chợ giúp dân” được dễ dàng thực hiện, đời sống người dân toàn TP trong những ngày giãn cách được chăm sóc tốt hơn” - ông Đậu An Phúc bày tỏ.