Ngay sau khi Trung Quốc cho phép sầu riêng của chúng ta được xuất khẩu chính ngạch (11/7/2022), quả sầu riêng tiêu thụ thuận lợi, giá trị luôn đứng ở mức cao, người trồng có lãi lớn (năm 2023, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt 2,24 tỷ USD), dẫn đến quy mô sản xuất sầu riêng tăng nhanh chóng.
Việc tăng trưởng “nóng” diện tích sầu riêng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất cũng như nguy cơ cung vượt cầu.
Các chuyên gia cho rằng, nâng cao chất lượng và xử lý nghiêm vi phạm là những yếu tố tiên quyết để đảm bảo xuất khẩu sầu riêng bền vững.
Những vấn đề tồn đọng
Theo thống kê, xuất khẩu sầu riêng có bước nhảy vọt trong 3 năm qua khi đạt 2,24 tỉ USD (năm 2023) từ mức 178 triệu USD (năm 2021). Kéo theo đó, diện tích trồng sầu riêng tăng rất nhanh, nếu như năm 2020, tổng diện tích sầu riêng cả nước chỉ hơn 71.000 ha thì đến cuối năm 2023 đã hơn gấp đôi, lên mức gần 151.000ha.
Thậm chí, một số nơi có hiện tượng nông dân chặt bỏ cây lâu năm khác như: Cà phê, hồ tiêu… chuyển sang trồng sầu riêng. Nếu thời gian tới, thị trường tiêu thụ có biến động, khó khăn trong tiêu thụ, khi đó thu nhập của nông dân sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung cho biết, hiệu ứng tăng xuất khẩu đang tạo nên cơn sốt mở rộng diện tích, phá vỡ quy hoạch trên diện rộng.
Cụ thể, theo định hướng của ngành Nông nghiệp, Việt Nam sẽ có khoảng 65.000-70.000 ha sầu riêng nhưng thực tế, chỉ sau 1 năm, diện tích sầu riêng cả nước đã tăng hơn gấp đôi.
Xuất khẩu sầu riêng những tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng tốt.
Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, ngoài 708 mã số vùng trồng đã được cấp, còn gần 800 mã số chuẩn bị được cấp, ước chiếm khoảng 50% diện tích sầu riêng của Việt Nam. Do đó, nếu không quản lý chặt chẽ, bài bản, chắc chắn sẽ có vấn đề, khi đó các nước nhập khẩu sẽ tăng cường các biện pháp kỹ thuật đối với sầu riêng của Việt Nam, dẫn đến tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh so với các nước khác, từ đó ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta.
Nêu thực tế tại địa phương, ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang, chia sẻ, nông dân chuyển đổi từ mít, nhãn sang sầu riêng rất nhiều và diện tích hiện tại đã hơn 20.000 ha, vượt quy hoạch đến năm 2025 của tỉnh.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Đắk Lắk - địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất nước với trên 32.000ha và đang tiếp tục tăng, trong khi định hướng của địa phương chỉ khoảng 22.000-25.000ha.
Không chỉ vấn đề tăng diện tích thiếu kiểm soát, hiện sầu riêng Việt Nam đang đối mặt với nhiều cảnh báo từ thị trường Trung Quốc về những lô hàng sầu riêng không tuân thủ Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật với sầu riêng tươi xuất khẩu sang Trung Quốc. Các cảnh báo chủ yếu là nhiễm các loài rệp mà Trung Quốc cấm, cơ sở đóng gói thu mua sầu riêng từ các vùng trồng chưa được cấp mã số hoặc nguồn gốc không được rõ ràng,… Bên cạnh đó là những cảnh báo về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, hiện tượng hái “non” sầu riêng vẫn tồn tại.
Cụ thể, có 115 mã số vùng trồng và 72 cơ sở đóng gói vi phạm quy định, trong số này có 35 mã số vùng trồng và 29 cơ sở đóng gói vi phạm nhiều lần, nguy cơ đối diện việc tạm ngừng xuất khẩu.
Thêm nữa, chuyện “xù hợp đồng” giữa thương lái với nhà vườn, giữa nhà vườn với doanh nghiệp đã trở thành vấn nạn cần xử lý gấp!
Tập trung nâng cao chất lượng thay vì tăng diện tích
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng, khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mức độ tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và dư lượng hoá chất của sầu riêng Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế; việc tổ chức chuỗi ngành hàng còn rời rạc, thiếu chuyên nghiệp. Do đó, việc tăng trưởng nóng về diện tích trong thời gian ngắn đang tạo ra nhiều rủi ro trong kiểm soát chất lượng, mất cân đối cung - cầu.
Từ những thực tế trên, có thể nói, chất lượng là yếu tố tiên quyết để đảm bảo sự bền vững cho xuất khẩu sầu riêng. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần nhiều giải pháp đồng bộ từ quy trình kỹ thuật cho tới chế tài xử phạt nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng của trái sầu riêng xuất khẩu, cũng như đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Các cơ quan thuộc Bộ cần phối hợp với các địa phương rà soát lại những vùng trồng, cũng như toàn bộ quy trình canh tác sầu riêng. Qua đó, xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu phù hợp; kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.
Tăng cường công tác tuyên tuyền cho nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng. Nếu không tuân thủ quy định cần phải xử phạt thật nặng. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến nhà nông về quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng trái sầu riêng đồng nhất.
Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết, trước đây, Thái Lan quy định độ bột với trái sầu riêng xuất khẩu là 32%. Khi Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, Thái Lan đã nâng quy định về độ bột lên 35% và đang hướng tới một quy định mới là 37%. Theo đó, bà Vy kiến nghị, cần có chế tài để đảm bảo nông dân luôn thu hoạch sầu riêng đúng “tuổi”. Ai thu hoạch sầu riêng non thì sẽ bị xử phạt. Như tại Thái Lan, đối tượng vi phạm tiêu chuẩn chất lượng nhiều lần có thể bị phạt tù.
Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch các cây ăn quả chủ lực, những diện tích nào phát triển nóng, không đảm bảo điều kiện sinh thái, điều kiện về nguồn nước có thể sẽ phải chuyển đổi sang loại cây trồng khác.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng chỉ đạo các địa phương duy trì việc giám sát một cách hiệu quả và thực chất để bảo đảm tất cả mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và doanh nghiệp thu mua đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Khi xảy ra vi phạm theo thông báo của nước nhập khẩu hoặc do lực lượng kiểm dịch tại cửa khẩu phát hiện, lập tức lô hàng đó sẽ không được xuất khẩu và mã số vùng trồng đó sẽ bị tạm dừng, đến khi có biện pháp phục hồi và kết quả kiểm tra, đánh giá lại đạt yêu cầu thì mới tiếp tục được xuất khẩu trở lại.
“Trước đây vi phạm 1-2 lần có thể nhắc nhở, đến lần thứ ba mới yêu cầu truy xuất nguồn gốc và buộc tạm dừng xuất khẩu. Nhưng nay phải áp dụng biện pháp thật mạnh và không châm trước, cứ vi phạm là xử lý ngay”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.
Đồng thời, các đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục phối hợp thực hiện đẩy mạnh đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xúc tiến, quảng bá sản phẩm cũng như tiếp cận thị trường…