Sự xuất hiện của các nền tảng như GrabFood, Go-Food, Now,…đang giúp cho nhiều nhà hàng, quán ăn, thậm chí các cửa hàng đồ ăn online tại Việt Nam có cơ hội tối ưu hóa đơn hàng và gia tăng doanh thu. Tuy nhiên mức chiết khấu các nền tảng này thu về từ đối tác nhà hàng lại không hề thấp.
Theo thông tin từ Techbike, diễn đàn dành cho khách hàng và giới tài xế công nghệ Việt Nam, mức chiết khấu hiện tại GrabFood đang thu từ các đối tác nhà hàng, quán ăn của mình là 20% đến 25% tùy vào giá trị thực đơn. Ví dụ nếu bán được 100.000 đồng thì cửa hàng nhận về 80.000 đồng, Grab thu chiết khấu 20.000 đồng.
Với các quán ăn có mặt bằng lớn, lượng khách đông, mức chiết khấu cao hơn tuy nhiên cũng chỉ giao động từ 20% đến tối đa 30%.
Ngoài ra, trong quá trình đăng ký làm đối tác, phía Grab sẽ liên hệ với nhà hàng để đàm phán mức chiết khấu cũng như kí kết hợp đồng. Do đó, mức chiết khấu có thể tăng lên sau mỗi năm. Nếu năm đầu đối tác sẽ trả 20% chiết khấu thì ở các năm tiếp theo mức chiết khấu có thể tăng lên 25% đến 30%.
Sau khi kí kết hợp đồng, nhà hàng sẽ được cài ứng dụng đối tác GrabFood Merchant để quản lí menu, thêm xóa, sửa thực đơn hay nhận thông báo khi có đơn hàng từ khách. Quy trình khá đơn giản vì kể từ lúc nhận thông báo, nhà hàng sẽ tiến hành làm đơn ngay, sau đó tài xế GrabFood đến nhận và đem đi giao, tránh được thời gian chờ đợi quá lâu.
Chiết khấu cao, tại sao nhà hàng vẫn đồng ý?
Nhìn vào mức chiết khấu trên của GrabFood, nhiều người sẽ cho rằng những con số này khá cao. Như vậy, nhiều khả năng nhà hàng sẽ lỗ vì còn phải chịu các chi phí về nguyên vật liệu, mặt bằng, nhân viên...
Nhưng thực tế, với các đối tác nhà hàng, việc tham gia vào nền tảng GrabFood giúp họ tiếp cận thêm nhiều khách hàng hơn, đặc biệt nhóm những quán ăn có địa điểm gần các công ty, văn phòng sẽ càng được lợi vì GrabFood đưa ra gợi ý cho khách dựa trên quãng đường ngắn nhất tới nhà hàng.
Với hệ sinh thái hàng triệu người dùng hiện nay, theo như chia sẻ của đồng sáng lập Tan Hooi Ling, cứ 10 người dân Việt Nam thì có 2 người dùng dịch vụ của Grab nói chung, các quán ăn bán trên GrabFood hoàn toàn có thể kinh doanh theo kiểu chấp nhận thu lãi ít hơn nhưng bán nhiều đơn hơn.
Ngoài ra, tham gia GrabFood cũng giúp đối tác nhà hàng tối ưu quy trình, không mất thời gian, chi phí liên lạc, trao đổi với khách hàng. Với các cửa hàng nhỏ, không có sẵn shipper, họ còn tiết kiệm thêm thời gian tìm kiếm và liên hệ với shipper.
Cũng theo Techbike, hiện nay, một số quán ăn có mẹo giảm chi phí bán hàng trên GrabFood bằng cách để giá sản phẩm cao so với giá tại cửa hàng. Ví dụ một quán cơm khá nổi tiếng tại Sài Gòn để mức giá bán cơm tấm sườn trong menu là 27.000 đồng/ suất, nhưng trên GrabFood tăng nhẹ lên 28.700 đồng. Tương tự, cơm tấm đùi gà cũng tăng từ 30.000 đồng lên 31.500 đồng.
Tuy nhiên, Techbike cho rằng khi bán hàng trên GrabFood, nếu nhà hàng cố tình thay giá món ăn lên quá cao so với giá gốc khi kí kết hợp đồng, họ sẽ bị phía Grab chấm dứt hợp tác. Bên cạnh đó, nếu khách hàng để lại nhận xét không tốt, cho điểm đánh giá thấp thì nhà hàng cũng có thể bị chấm dứt hợp đồng.
"Vậy nên hãy tính toán cẩn thận với mức chiết khấu Grab thu và giá món ăn của bạn để đưa ra mức giá vừa phù hợp với khách hàng mà vừa đảm bảo không bị lỗ sau khi trừ chiết khấu", Techbike nhận định.
Trí thức trẻ