Sau hai năm dịch bệnh hoành hành, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16% với doanh thu đạt 13,7 tỷ USD năm 2021, theo bộ Công Thương. Người Việt dành đến 6,38 tiếng mỗi ngày truy cập internet, trong đó có 58,2% có giao dịch mua hàng qua mạng hàng tuần. Tốc độ tăng trưởng sẽ còn tiếp tục vì thói quen mua sắm thay đổi qua thương mại điện tử đã phổ biển với dân đô thị, cùng với những tiện lợi trong việc thanh tóan trực tuyến. Bộ Công Thương dự báo quy mô thị trường TMĐT sẽ đạt đến 16,4 tỷ USD vào năm nay.
Trong nhóm doanh nghiệp cung cấp TMĐT, dẫn đầu là Shopee, Lazada, Grab, Baemin, Tiki, GoJek, Sendo, ShopeeFood, Be và AhaMove. Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định: “Thời điểm nhấn nút chốt đơn chính là lúc cuộc đua giao hàng của các nhà bán lẻ và sàn TMĐT bắt đầu. Nhiều đơn vị chạy đua giao hàng nội thành trong ngày kèm dịch vụ hỏa tốc 2 giờ, một số đơn vị còn có đội ngũ giao hàng riêng để giảm phụ thuộc vào bên hậu cần thứ ba (3PL). Khách hàng muốn được nhận hàng nhanh nhất có thể, tạo áp lực cho bước cuối cùng của hành trình đơn hàng – giao hàng chặng cuối (last-mile delivery).”
Sức mua bán lẻ vốn thay đổi theo mùa nên một chuỗi cung ứng hiệu quả phải thực sự linh hoạt. Sự kiện bán hàng lớn nhất ngày 12/12 năm 2021 của Shopee đã công bố số lượng đơn hàng chính hãng tăng gấp 14 lần so với ngày thường, lượt truy cập tăng gấp 6 lần. Tại sự kiện ‘siêu sale’ ngày 9 tháng 9 mới đây của sàn Lazada cũng công bố doanh thu gấp 6 ở các ngành hàng ‘hot’ như làm đẹp, bách hóa và điện tử.
Trong 3 tháng cuối năm, với nhiều sự kiện lễ hội nối đuôi chương trình khuyến mãi hấp dẫn như Black Friday, Lễ độc thân 1111, Giáng Sinh, Tết sẽ tạo ra làn sóng mua săm với dự kiến số lượng đơn hàng về phụ kiện trang trí, thời trang, thực phẩm cho tiệc như bánh kẹo và nước uống, mỹ phẩm, điện tử, công nghệ, hàng tiêu dùng… sẽ tăng trưởng nóng.
Báo cáo nguồn cung nhà kho quý 2 2022 Cushman & Wakefield ghi nhận tại TPHCM là 705,000m2, với giá thuê trung bình 5,4 USD/m2 và Hà Nội là 180,000m2, giá thuê 5,2 USD/m2. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của hai thành phố là 91%. Theo quan sát của chúng tôi, các nhà bán lẻ sẽ bắt đầu tìm kiếm kho hàng vào khoảng tháng 6 hàng năm và ký hợp đồng thuê ngắn hạn để chuẩn bị cho mùa lễ hội, ghi nhận tỷ lệ lấp đầy nhà kho mùa cao điểm có thể lên đến 100%.
Bà Trang Bùi chia sẻ, “nhà bán lẻ và vận hành sàn TMĐT sẽ phải cực kỳ linh hoạt trong chuỗi hậu cần để đáp ứng nhu cầu theo lịch các dịp lễ hội, khuyến mại. Một nhà kho chặng cuối lý tưởng cần dung hòa các yếu tố địa lợi - nhân hòa tương đương với vị trí tốt, gần khu vực đông đúc khách đặt hàng và có sẵn nguồn lao động dồi dào.”
Tuy nhiên, nguồn cung nhà kho chuyên nghiệp đáp ứng đủ yêu cầu trên gần như không có đối với khu vực nội thành TPHCM và Hà Nội. Các doanh nghiệp cần kho đầu cuối thường phải tìm kiếm mặt bằng nhà phố để lưu trữ, đóng gói và phát hàng. Với diện tích nhà phố hạn chế, các nhà kho tự phát này cần hoạt động liên tục và xuyên suốt hàng ngày để tránh dồn đơn hàng. Các yếu tố như phòng cháy chữa cháy, sức khỏe người lao động cũng như khả năng bảo quản đơn hàng lạnh vẫn còn hạn chế.
Chính vì vậy, việc xây dựng và áp dụng một hệ thống quản lý, truy xuất đơn hàng thông minh là cần thiết, từ lúc đặt đơn, đóng gói, vận chuyển, nhập kho tự phát nếu cần và giao đến người dùng cuối một cách nhanh và an toàn nhất. Tại nhà kho đầu cuối, các loại công nghệ mới như robot, máy bay không người lái (drone) và các hệ thống cảm biến có thể ghi nhận số lượng hàng tồn hoặc cảnh báo rủi ro cháy nổ sẽ giúp doanh nghiệp khắc phục hạn chế. Doanh nghiệp nào sở hữu hệ thống đồng bộ trên, cùng với việc định lượng được chính xác thời gian nhập xuất hàng hóa, vận chuyển, trả hàng và thanh toán sẽ là người chiến thắng.
Tải báo cáo 'Vai trò của Châu Á Thái Bình Dương trong Chuỗi cung ứng toàn cầu' tại đây.
(PV)Cushman & Wakefield