Hơn 165.000 gian hàng ngừng hoạt động
Thời kỳ vàng son của các shop nhỏ bán hàng online hay còn gọi là TMĐT đang khép lại. Nếu trước đây, chỉ cần vài bức ảnh sản phẩm, một tài khoản mạng xã hội và chút duyên bán hàng là có thể “chốt đơn ầm ầm”, thì giờ đây, thị trường đã trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Chi phí vận hành tăng, chính sách sàn khắt khe, người tiêu dùng khó tính hơn, trong khi các “ông lớn” đổ bộ với hàng giá rẻ và công nghệ vượt trội, tất cả đang khiến nhiều người bán nhỏ lẻ phải rút lui khỏi cuộc chơi.

“Phí hoa hồng trên các sàn giao dịch TMĐT hiện nay không giống nhau và phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, chiến lược thu hút người bán, người tiêu dùng của mỗi sàn theo từng thời kỳ. Nếu phí hoa hồng tăng cao, khả năng giá hàng hóa sẽ bị điều chỉnh tăng lên để bù đắp chi phí, tác động trực tiếp đến sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc nâng phí hoa hồng phải dựa trên cơ sở minh bạch thông tin, phí phải được áp dụng đồng bộ với đối tượng là người bán (ví dụ phí áp dụng đồng thời cho các đối tượng là người bán trong và ngoài nước) và được thông báo trước theo quy định của pháp luật trước khi áp dụng chính thức”.
Trong năm 2024, TMĐT Việt Nam tiếp tục bứt phá với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê từ nền tảng phân tích dữ liệu Metric, tổng doanh thu của 5 nền tảng lớn gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo đạt tới 318.900 tỷ đồng, tăng 37,36% so với năm 2023. Cùng với đó, khối lượng hàng hóa giao dịch cũng vượt mốc 3,42 tỷ sản phẩm, tăng vọt 50,76%, một con số cho thấy sức mua vẫn rất sôi động trên các nền tảng số.
Thế nhưng, ẩn sau bức tranh tươi sáng ấy là một thực trạng đáng báo động, số lượng shop có đơn hàng phát sinh lại giảm mạnh tới 20,25%. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 165.000 gian hàng đã ngừng hoạt động chỉ trong vòng một năm, tương đương gần 3.200 cửa hàng rút lui mỗi tuần. Đáng chú ý, lực lượng rời bỏ sàn chủ yếu là các chủ shop nhỏ, kinh doanh thiếu định hướng dài hạn.
Nguyễn Thị Minh, từng là chủ một shop thời trang online, chia sẻ: “Trước đây, bỏ ra vài trăm nghìn chạy quảng cáo là có đơn. Bây giờ, chi phí tăng mà đơn thì ít, doanh thu không đủ”.
Tương tự, chị Lê Thu Hà, chủ một shop đồ gia dụng từng đạt doanh thu vài chục triệu/tháng chia sẻ: “Trước đây tôi bán tốt vì cạnh tranh chưa nhiều, giờ phải đầu tư livestream, hình ảnh, nội dung, đóng gói chuyên nghiệp… mà đơn thì bấp bênh. Cứ khuyến mãi liên tục mà không có lời. Nếu hôm nào chỉ bán được vài chục đơn hàng thì lãi không đủ tiền chạy quảng cáo”.
Theo dữ liệu từ Metric, thị trường TMĐT Việt Nam đang bước vào giai đoạn phân hóa rõ rệt. Trong khi các nhà bán lớn liên tục mở rộng quy mô và gia tăng doanh thu, thì phần đông các shop nhỏ lẻ đang dần dần rút lui khỏi cuộc chơi. Chỉ tính riêng quý I/2025, đã có hơn 38.000 gian hàng không còn phát sinh đơn hàng, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, nhóm các cửa hàng có doanh thu cao lại chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, số lượng shop đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng gần như tăng gấp đôi, cho thấy sự dịch chuyển nguồn lực và khách hàng về phía những người chơi có tiềm lực lớn hơn.
Thị trường không còn dễ tính
Cũng theo Metric, người tiêu dùng đang ngày càng ưu tiên lựa chọn các gian hàng chính hãng (Shop Mall), một xu hướng thúc đẩy doanh thu bền vững cho các sàn TMĐT. Dù chỉ chiếm khoảng 3% tổng số shop, nhóm Shop Mall lại đóng góp tới gần 27% doanh số trên hai sàn lớn là Shopee và TikTok Shop. Sự bứt phá này phản ánh rõ tâm lý tiêu dùng ngày càng khắt khe, ưu tiên sự minh bạch và bảo đảm chất lượng khi mua sắm trực tuyến.
Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường đang ngày càng khắt khe và cạnh tranh không còn là sân chơi dễ dàng cho những người thiếu chiến lược dài hạn.
Các chuyên gia nhận định, thị trường giờ không còn chỗ cho bán thử nghiệm hay bán cho vui. Muốn tồn tại, bắt buộc phải có chiến lược và vận hành chuyên nghiệp. Sản phẩm phải có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng.
Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, các gian hàng uy tín được người tiêu dùng đánh giá cao, có chiến lược kinh doanh phù hợp, sản phẩm chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt vẫn phát sinh đơn hàng, thậm chí còn tăng trưởng, còn các gian hàng không đảm bảo chất lượng hoặc chưa tìm được hướng đi hay chiến lược kinh doanh theo quy luật sẽ khó cạnh tranh và phải đối mặt với nguy cơ bị loại bỏ khỏi thị trường.