Các chuyên gia cho rằng, chính Covid-19 đã trở thành “chất xúc tác”, để các ngân hàng ở Việt Nam vượt qua đại dịch, thích ứng trong giai đoạn bình thường mới.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin từ nhiều năm trước, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện chính là một trong những nguyên nhân giúp cho các ngân hàng “dễ dàng” vượt qua đại dịch, đem lại lợi nhuận khả quan.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: “Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ đã trở thành xu hướng chuyển dịch tất yếu, là chiến lược phát triển trọng tâm của các ngân hàng. Đặc biệt trong năm 2021 đại dịch Covid-19 trong thời gian dài đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi hoạt động kinh tế xã hội, song đây cũng là cơ hội thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, để thích ứng với tình hình mới.
Các ngân hàng đã có nhiều chính sách giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số như Mobile Banking, Internet, Banking, QR code… giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sử dụng ở mọi nơi mọi lúc. Bên cạnh đó, các sản phẩm thẻ chuyển tiền, ngân hàng điện tử, thanh toán hóa đơn, bảo hiểm… cũng được các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình để thu hút người dùng. Nhờ đẩy mạnh dịch vụ bán lẻ, các ngân hàng giữ được tốc độ tăng trưởng vượt qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch”.
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, năm 2021 hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao, cụ thể thanh toán qua Internet tăng 48,8% về số lượng và 32,6% về giá trị; thanh toán qua điện thoại di động tăng 76,2%; thanh toán qua mã QR tăng lên đến 200% so với năm 2020. Nhờ các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, tỷ lệ rút tiền mặt tại Hệ thống ATM đã giảm mạnh: từ 26% (năm 2020) xuống còn 12%.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đã có khoảng 80 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, khoảng 100.000 điểm chấp nhận thanh toán qua mã QR, khoảng 300.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ bằng thiết bị POS và nhiều doanh nghiệp viễn thông đã tham gia dịch vụ Mobile Money, để vươn rộng tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây chính là những giải pháp đã giúp thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta phát triển nhanh trong thời gian vừa qua, góp phần rút ngắn quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: “Chúng ta nghĩ là Covid-19 tác động ngắn, mà cuối cùng kéo dài đến tận bây giờ. Tuy nhiên, chúng ta thấy là các xu hướng như Fintech, rồi chuyển đổi số của hoạt động ngân hàng thì đã diễn ra trước đó rồi. Chúng tôi đánh giá Covid-19 là chất xúc tác để thúc đẩy chuyển đổi số ở hoạt động ngân hàng bán lẻ trong bối cảnh này, rút ngắn được 2 đến 3 năm chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Ngoài ra, xu hướng hành vi của người tiêu dùng cũng thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh số hóa sẽ đặt ra cho các ngân hàng phải thay đổi, tức là phải lấy khách hàng làm trọng tâm phải hướng tới trải nghiệm khách hàng đáp ứng kỳ vọng và hành vi khách hàng”.
Sau khi Quyết định số 316 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) có hiệu lực, từ ngày 9/3/2021 đến nay đã có hơn 1 triệu tài khoản Mobile Money đi vào hoạt động. Đây cũng là một trong những dịch vụ góp phần phát triển hệ sinh thái số, đem đến nhiều tiện ích cho người sử dụng.
Hệ sinh thái ngân hàng mở, với nhiều đơn vị cùng đồng hành, phát triển sẽ là xu hướng ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin cho mỗi khách hàng khi tham gia các giao dịch điện tử./.