Các doanh nghiệp gia đình đóng vai trò lớn tại châu Á
Theo dữ liệu từ Bloomberg, 15 gia đình giàu nhất Châu Á hiện nay sở hữu tổng tài sản hơn 400 tỷ USD, góp phần quan trọng định hình nền kinh tế Châu Á qua thông qua các đế chế kinh doanh trải rộng ở hầu hết các lĩnh vực kinh doanh. Đặc biệt, trong bộ dữ liệu toàn cầu năm 2022 của Credit Suisse cho thấy, trong 1.000 công ty niêm yết do các gia đình điều hành trên thế giới thì có tới 517 gia đình đến từ khu vực châu Á Thái Bình Dương, chiếm 51.7% trên tổng số. Điều này cho thấy các doanh nghiệp gia đình Châu Á không chỉ đóng vai trò “chèo lái” thị trường Châu Á Thái Bình Dương, mà còn có tác động không hề nhỏ lên nền kinh tế thế giới.
Các dòng họ kinh doanh lớn tại Châu Á như Samsung (Hàn Quốc), Reliance Industries (Ấn Độ) hay Hon Dai (Đài Loan),... được xem là những "đế vương" chèo lái thị trường châu Á và giữ vai trò chìa khoá thành công đối với các nước có nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, với đặc trưng mô hình quản lý doanh nghiệp kiểu “gia đình trị", đã có không ít các vụ nội chiến “đẫm máu" xảy ra trong chính các đế chế kinh doanh này.
Các tít báo về các cuộc nội chiến được đưa lên hết sức giật gân với những cái tên như "Lee Kun Hee- vị chủ tịch 70 tuổi của tập đoàn điện tử Samsung bị người thân kiện cáo vì quyền thừa kế"; "Winston Wong- con trai của ông trùm Wang Yung Ching kiện khiếu nại đòi lại 4 tỷ đô từ gia đình riêng của cha"; "Mukesh Ambani- người đàn ông giàu nhất Ấn Độ tranh chấp đế chế Reliance với anh trai Anil trong 5 năm ròng" hay "Ông trùm casino Hong Kong- Stanley Ho đấu đá với cả con cháu mình để bảo toàn các sòng bài"... Các cuộc “tương tàn" này không chỉ khiến những doanh nghiệp đứng đằng sau “rung lắc" mà còn thậm chí khiến cả nền kinh tế bị lung lay.
Góc tối “gia đình trị” đe doạ sự bền vững của các doanh nghiệp gia đình
Vậy điều gì khiến cho các gia tộc tỷ phú Châu Á, nơi vốn có nền văn hóa coi trọng truyền thống và đề cao vai trò của gia đình, lại thường xuyên xảy ra các cuộc nội chiến khốc liệt bởi chính các thành viên trong cùng gia đình? Nhiều ý kiến cho rằng, chính lối quản trị doanh nghiệp kiểu “gia đình trị" với sự chồng chéo, thiếu minh bạch trong quyền lực, tài chính và lợi ích đã châm ngòi cho những mâu thuẫn sâu sắc, kéo dài, mà tệ hơn là dẫn đến các cuộc “huynh đệ tương tàn" nghiệt ngã.
Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2023 được công bố mới đây bởi Forbes Việt Nam có sự góp mặt của hàng loạt các công ty cổ phần thuộc các tập đoàn gia đình như: Massan Group của gia đình ông Nguyễn Đăng Quang, Vinhomes của gia đình tỷ phú Phạm Nhật Vượng, TTC AgriS của gia đình ông Đặng Văn Thành,… Các gia tộc kinh doanh tại Việt Nam cũng có cùng những giá trị triết lý sống Á Đông, coi trọng tình thâm và sự gắn kết gia đình. Vì vậy mà cũng như nhiều gia tộc kinh doanh Châu Á, tính “gia đình trị" cũng hiện hữu trong ít nhiều doanh nghiệp gia đình Việt Nam, kể cả doanh nghiệp đã niêm yết. Chính điều này đặt ra thách thức duy trì tính minh bạch trong quản lý, vận hành doanh nghiệp để ngăn chặn tham nhũng, gian lận và thúc đẩy sự thuận lợi trong việc thu hút đầu tư và huy động vốn từ công chúng, nâng cao năng lực cạnh tranh, nội lực phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Công khai, minh bạch, công bằng, chính trực và tín nhiệm là những tiền đề quản trị công ty cho doanh nghiệp đại chúng trong hội nhập. Nhận thức sự thay đổi, chấp nhận sự thay đổi và quản lý thay đổi là yêu cầu với doanh nghiệp niêm yết để phát triển bền vững.
P.V