Trước khi vượt mức trên 1 triệu đồng/cổ phiếu, mã VNG đã có chuỗi tăng trần ấn tượng 9 phiên liên tiếp với mức tăng hơn 390%, tương ứng mỗi cổ phiếu cộng thêm 941.500 đồng. Nhưng cũng như nhiều cổ phiếu lên như diều gặp gió khác, khối lượng cổ phiếu giao dịch của VNG khá khiêm tốn, trung bình chỉ hơn 1.100 cổ phiếu mỗi phiên.
Trước đà tăng liên tục, VNG đã có văn bản giải trình. Theo doanh nghiệp này, giá cổ phiếu tăng trần hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của các nhà đầu tư. VNG không có bất kỳ can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu thời gian qua và hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.
VNG (tiền thân là Vinagame) là doanh nghiệp chuyên phát hành trò chơi trực tuyến; cung cấp các sản phẩm công nghệ như dịch vụ đám mây, cổng thanh toán điện tử (ZaloPay) hay nền tảng di động Zalo...Cổ phiếu VNG được đăng ký giao dịch cổ phiếu (sàn UPCoM) với mã VNZ và ngày giao dịch chính thức 5/1.
Đáng chú ý, trong khi giá cổ phiếu chào sàn cao ngất và liên tục tăng trần thì kết quả kinh doanh của công ty không mấy khả quan. Báo cáo tài chính quý IV/2022 của VNG cho thấy lỗ luỹ kế sau thuế năm 2022 hơn 1.315 tỷ đồng và là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của VNG. Riêng công ty mẹ lỗ luỹ kế hơn 858 tỷ đồng.
Doanh thu thuần của VNG quý IV tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 2.037 tỷ; doanh thu cả năm đạt hơn 7.800 tỷ đồng; lợi nhuận gộp cả năm đạt 3.460 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chi phí đều âm mạnh khiến cho VNG lỗ đậm.
Trong năm 2022, VNG rót thêm hơn 1.000 tỷ đồng vào các startup, nhưng trong danh mục, chỉ có khoản đầu tư vào Dayone ghi nhận lãi trong năm. Tính đến hết năm 2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG đã lên tới 643 tỷ đồng.