Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới đây chính thức khởi động "Chương trình Startup" tại ASEAN lần đầu tiên với mục tiêu kết nối cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và giới học giả. Các startup Việt Nam đăng ký tại đây để tham gia chương trình diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11-13/9. Hạn đăng ký là 19/7/2018.
Các doanh nghiệp cần đáp ứng đủ các điều kiện là hoạt động dưới 10 năm, nhận ít nhất một vòng đầu tư, tạo được nguồn doanh thu, giải quyết được vấn đề và cung cấp dịch vụ theo cách tân tiến. Hồ sơ đăng ký sẽ được lựa chọn từ hội đồng ban giám khảo đến từ các dự án thúc đẩy khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân, truyền thông, nhà kinh tế và chuyên gia công nghệ trong khu vực.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 11-13/9 cho ra mắt "Chương trình Startup" tại ASEAN quy tụ các doanh nhân khởi nghiệp nổi bật trong khu vực.
Tham gia chương trình, các startup có thể giới thiệu, quảng bá kế hoạch phát triển của doanh nghiệp, hướng tới việc tạo thêm việc làm cho khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Sự kiện là cơ hội giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tăng cường mạng lưới mối quan hệ tiềm năng cho việc mở rộng thị trường.
Ngoài ra, cộng đồng startup có cơ hội kết nối với 850 quan khách bao gồm 70 Bộ trưởng của ASEAN và 550 lãnh đạo doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy những cuộc đối thoại tiềm năng trong tương lai.
"Trong vòng 15 năm tới, mỗi ngày sẽ có 11.000 công nhân tham gia vào đội ngũ nhân lực của khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi tin rằng các nhà khởi nghiệp tiến bộ có thể góp phần giải quyết nhu cầu việc làm thông qua việc xây dựng các công ty mới, ngành công nghiệp mới, định hình nền kinh tế của tương lai", ông Justin Wood, Giám đốc Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của WEF cho biết.
Diễn đàn Kinh tế Thế Giới về ASEAN 2018 sẽ tập trung thảo luận về chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4", nhằm mục tiêu nuôi dưỡng những công ty giàu tiềm năng, đồng thời nâng tầm hệ sinh thái sáng tạo trong khu vực để phát triển doanh nghiệp.
"Chương trình Startup" trong khuôn khổ diễn đàn bao gồm các phiên giao lưu, thảo luận cùng các giám đốc điều hành và nhà lãnh đạo chính trị về những thách thức trong khu vực cũng như cách thức mà đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ có thể giúp giải quyết vấn đề. Ngoài ra, phần "Trung tâm Đổi mới Sáng tạo" là nội dung quan trọng của sự kiện, nơi các startup có cơ hội chia sẻ câu chuyện của chính mình.
Tinh thần doanh nghiệp và sự phát triển của các startup đột phá là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế tăng trưởng bền vững và toàn diện. Điều này được đánh giá đặc biệt đúng ở 10 nước ASEAN trong bối cảnh robot dần thay thế công nhân và nhà máy.
Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng lớn lên ngành dịch vụ, còn ôtô tự vận hành đang thay thế các tài xế taxi. Vì vậy, các cá nhân khởi nghiệp đột phá, sáng tạo càng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh từ Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Vũ Hoàng/Vnexpress