Hôm nay, ngày 12-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017) của Quốc hội. Báo Người Lao Động có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh về vấn đề này
* Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, bà có thể nêu rõ sự cần thiết, cấp bách phải ban hành dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM của Quốc hội?
Bà ĐẶNG HOÀNG OANH
- Bà ĐẶNG HOÀNG OANH: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017, TP HCM đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn; nâng hạn mức huy động vốn cho phép thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển; điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp... Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách tại nghị quyết này chưa mang lại hiệu quả, như: chính sách cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương; chính sách huy động thêm nguồn lực để giải quyết bức xúc về cơ sở hạ tầng, cải thiện đầu tư - kinh doanh nhằm tạo động lực cho
TP HCM tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu: TP HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính; thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Căn cứ chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và để đạt được các mục tiêu đề ra, đòi hỏi phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 nhằm tạo điều kiện cho TP HCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh. Đồng thời, kế thừa và bổ sung cơ chế, chính sách đột phá mà TP HCM cần Trung ương quan tâm hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Bên cạnh đó, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM có dấu hiệu đi xuống. Vì vậy, Chính phủ đã đề xuất sớm ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 để tạo sức bật cho thành phố phát triển, lan tỏa cho vùng và cả nước. Bộ Tư pháp đã đồng hành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), UBND TP HCM trong suốt quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết này.
Tại báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, chúng tôi đề nghị Bộ KH-ĐT làm rõ và hoàn thiện thêm một số nội dung của dự thảo nghị quyết về: dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC); thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; cho phép sử dụng mái của trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn để lắp đặt hệ thống điện mặt trời; nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất; cho phép thế chấp, chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê đất và về tổ chức bộ máy của TP HCM...
Chính phủ đã đề xuất sớm ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 với những cơ chế, đặc thù để tạo sức bật cho TP HCM phát triển, tạo sức lan tỏa cho vùng và cả nướcẢnh: HOÀNG TRIỀU
* Ở góc độ đại diện cơ quan thẩm định, Thứ trưởng đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị, xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của TP HCM và các cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ?
Về phía Bộ Tư pháp, chúng tôi đã kịp thời tham gia góp ý, thẩm định và đã có 2 báo cáo thẩm định ngay sau khi nhận được đề nghị của Bộ KH-ĐT.
Có thể nói, công tác chuẩn bị xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của TP HCM đã được triển khai hết sức quyết liệt, khẩn trương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành. Trong thời gian ngắn, các cơ quan đã làm hết trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ cả về tiến độ và chất lượng.
* Các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù được đề xuất trong dự thảo nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo "sức bật" cho TP HCM thời gian tới, thưa Thứ trưởng?
- Các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM, góp phần xây dựng và phát triển thành phố như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết 24/2022, Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023 của Quốc hội.
Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 quy định cụ thể nội dung thuộc 7 nhóm chính sách về quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP HCM và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.
Việc quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn phát triển của địa phương và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung vào phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền cho TP HCM và gắn chính quyền thành phố với các quận, huyện, thành phố trực thuộc nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành phố; có cơ chế kiểm soát quyền lực...
Khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết mới Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TP HCM, cho biết trong năm 2022, TP HCM đã chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương để tổng kết Nghị quyết 16/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020 và Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Song song đó là việc chuẩn bị hồ sơ đề xuất xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017. Cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31/2022. Trong đó, giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với TP HCM hoàn chỉnh đề án ban hành nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP HCM trình Quốc hội; phối hợp với TP HCM triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội; thực hiện phân cấp, phân quyền cho TP HCM trên một số lĩnh vực; đề xuất nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật về đô thị đặc biệt và sửa đổi các luật, nghị định liên quan. Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với UBND TP HCM và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, hoàn thiện trình Chính phủ cho ý kiến và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Thực hiện các chỉ đạo nêu trên, Bộ KH-ĐT đã chủ trì, phối hợp với TP HCM và các bộ, ngành báo cáo, kiến nghị Thủ tướng ban hành nghị quyết của Chính phủ thông qua hồ sơ dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. "TP HCM đang tiếp tục khẩn trương phối hợp với Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết theo quy định và tiến độ chỉ đạo của Thủ tướng" - bà Lê Thị Huỳnh Mai cho hay. T.Phương |