Theo giáo sư Vương Tồn Xuyên, Đại học Tế Nam (Trung Quốc) người béo phì cần đặc biệt chú ý đến vấn đề tâm lý, tâm thần.
“Béo thì béo, cơ thể tôi là do tôi quyết định” - là quan niệm của đa số mọi người, họ cho rằng béo phì chỉ liên quan đến nhan sắc, hình dáng bên ngoài. Thực tế, béo phì từ lâu được xác định là căn bệnh mãn tính, liên quan mật thiết đến sức khỏe thể chất và thậm chí là sức khỏe tinh thần.
Học sinh 102 kg bị chứng rối loạn lưỡng cực
Tiểu Thạch bắt đầu phát triển rất nhanh khi mới 5 tuổi, tăng lên 85kg khi học lớp 8. Trong năm qua, cân nặng của cậu tăng vọt lên 102kg và chỉ số BMI của cậu lên tới 38,5 kg/㎡, béo phì nghiêm trọng.
Thông qua việc kiểm soát chế độ ăn uống, dù giảm được 10kg trong nửa năm nhưng việc giảm cân ngày càng khó khăn hơn. Do sự chế giễu của các bạn cùng lớp, nên Thạch vốn dĩ là người vui vẻ và hoạt bát, dần trở nên thu mình lại, ít tiếp xúc với các bạn cùng lớp, và không hứng thú với bất cứ điều gì. Cậu thích ở một mình và không muốn giao tiếp với mọi người.
Thạch còn có biểu hiện tư duy phản ứng chậm lại, thiếu tập trung, hay cáu gắt, hay nổi giận với mẹ, có 2 hành vi tự gây thương tích.
Cha mẹ lo lắng, đưa Thạch đến bệnh viện để khám và cậu được chẩn đoán mắc chứng "rối loạn ám ảnh cưỡng chế", uống thuốc cũng không cải thiện được các triệu chứng. Sau đó, người mẹ tiếp tục đưa cậu đến gặp bác sĩ và được chẩn đoán mắc chứng "rối loạn lưỡng cực".
Người béo nguy cơ mắc rối loạn lưỡng cực
"Trong lĩnh vực tâm thần học, những người béo phì dễ mắc chứng rối loạn lưỡng cực, cảm xúc của họ giống như 'tàu lượn siêu tốc', lên xuống thất thường.
Khi tâm trạng cao thì tràn đầy hứng thú và cảm thấy không điều gì là không thể; khi tâm trạng tụt xuống thấp, sẽ cảm thấy bản thân không thể làm tốt bất cứ điều gì, và những trường hợp nghiêm trọng sẽ chọn một số phương pháp cực đoan. Vì vậy tỷ lệ tự tử của bệnh nhân rối loạn lưỡng cực cao hơn so với bệnh nhân rối loạn đơn cực” - bác sĩ Giả Diễm Tân, giáo sư tâm thần học Bệnh viện số 1, Đại học Tế Nam, Trung Quốc giải thích.
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần, bệnh tâm thần làm tăng nguy cơ béo phì, hai yếu tố liên quan mật thiết đến nhau. "Trên lâm sàng đã phát hiện sau khi dùng thuốc chống loạn thần, tác dụng an thần của bệnh nhân mắc bệnh tâm thần sẽ làm tăng giấc ngủ và cảm giác thèm ăn của bệnh nhân, dẫn đến tăng cân và béo phì đáng kể.
Tuy nhiên, béo phì sẽ dẫn đến hội chứng chuyển hóa và các triệu chứng khác cũng như các bệnh liên quan, tuổi thọ bị ảnh hưởng. Đó là mối quan hệ qua lại, béo phì và bệnh tâm thần có quan hệ rất chặt chẽ" - BS giải thích thêm.
50% người béo phì bị bệnh tâm lý
Giáo sư Vương Tồn Xuyên nhấn mạnh: "Tôi phải thừa nhận rằng, trong thời đại mà gầy được coi là đẹp, thì những người béo phì thường không hòa hợp với người khác và trở thành chủ đề chế giễu. Điều này khiến người béo phì bị giảm sự tự tin về thể chất và gây ra sự bất tiện trong sinh hoạt.
Khi một người không có sự tự tin, họ sẽ nghĩ họ không có cảm giác tồn tại, và càng khó có được chỗ đứng trong xã hội ngày nay, cộng với việc giảm cân và phải duy trì lặp đi lặp lại, rất nhiều tiền bạc và năng lượng bị tiêu hao, gây kích động tâm lý hơn. Cũng từ đây nảy sinh các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo lắng thừa cân, rối loạn ăn uống vô độ và rối loạn lưỡng cực”.
Giáo sư Xuyên cho biết, từ các tài liệu nghiên cứu liên quan, khoảng 50% người béo phì mắc các bệnh tâm thần và tâm lý ở các mức độ khác nhau. Trong đó gồm một số người mắc bệnh tâm thần giả, do bị phân biệt đối xử gây ra.
Nhóm thứ hai là khi giảm cân thành công, những triệu chứng tâm lý không bình thường trước đó cũng sẽ thuyên giảm theo. Nhưng có người mắc bệnh về tâm thần thì có thể bị béo phì hơn trong quá trình điều trị.
Nhóm tiếp theo là do các bệnh di truyền, chẳng hạn như hội chứng mũm mĩm, do người bệnh không cảm thấy no nên lúc nào cũng muốn ăn, dẫn đến béo phì.
Dù là kiểu béo phì nào thì giải quyết vấn đề từ gốc mới là cách đúng đắn và giảm cân là cấp thiết. Hiện nay, để giảm cân, "bớt ăn, tăng cường vận động" vẫn là điểm mấu chốt quan trọng nhất. Với những người béo phì vừa và nặng thì phương pháp này khó có thể kiên trì và mang lại kết quả nhanh.
Bác sĩ đưa ra những gợi ý: "Hãy duy trì lối sống lành mạnh, ghi lại những cảm xúc của bạn, tham gia nhiều hoạt động nhóm và giao tiếp với mọi người nhiều hơn chứ không chỉ trên mạng ảo".
Người béo phì cần cảnh giác triệu chứng sau
Thay đổi tâm trạng
Tâm trạng dao động mạnh, cáu kỉnh và trầm cảm xảy ra thường xuyên, biểu hiện hưng cảm rõ ràng hơn, chẳng hạn như mua sắm điên cuồng, thích đi ra ngoài nhiều. Khi bệnh nhân béo phì gặp các triệu chứng này cần cảnh giác với bệnh rối loạn lưỡng cực, phần lớn béo phì ở bệnh nhân tâm thần phân liệt liên quan đến sử dụng thuốc, biểu hiện tưởng tượng lung tung, nghe thấy tiếng người nói, ảo giác.
Cũng có một số bệnh nhân xuất hiện hành vi cưỡng chế, kiểm tra lặp đi lặp lại, hành vi làm sạch thái quá giống như bệnh sạch sẽ quá mức.
Thói quen đi ngủ
Giấc ngủ cũng là chỉ định quan trọng. Bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể bị rối loạn giấc ngủ trong giai đoạn khởi phát và giai đoạn thuyên giảm. Bệnh nhân rối loạn trầm cảm chủ yếu thường kèm theo rối loạn giấc ngủ, phổ biến nhất là mất ngủ, bệnh nhân lo âu và trầm cảm thường biểu hiện như giảm hiệu quả giấc ngủ, khó ngủ.
Nếu bạn bị tăng cân, hãy kiểm soát sớm trước khi tiến đến béo phì. Thói quen sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ lành mạnh, thường xuyên vận động sẽ giúp bạn khống chế cân nặng tối ưu.