Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trong cuộc phỏng vấn với phóng viên VOV.
PV: Thưa Thứ trưởng, những loại nông sản thiết yếu như: gạo, trứng, thịt tươi sống đang được điều tiết thế nào để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhất là ở các địa phương ở khu vực phía Nam?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Không phải chỉ có năm nay mà năm ngoái cũng có dịch, trước đó là năm 2019 cũng có dịch nhưng chúng ta vẫn đảm bảo được lương thực thực phẩm, nhất là cuối năm 2020: lũ chồng lũ, bão chồng bão cũng như ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng chúng ta vẫn đảm bảo tăng trưởng 2,68%, sức sản xuất tương đối dồi dào. Khẳng định là sản xuất đảm bảo nguồn cung. Ví dụ như: giá gà công nghiệp trước đây 28.000 đồng/kg, bây giờ không lưu thông được, xuống còn 11.000 đồng/kg. Thứ hai, là lợn ở tỉnh Đồng Nai đã đến thời điểm xuất chuồng vẫn chưa xuất chuồng được, để thấy khả năng sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm tương đối dồi dào và chủ động, vấn đề ở đây là khâu lưu thông phân phối phải đồng bộ.
PV: Những ngày qua, có thông tin giá rau quả, thực phẩm ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi thiếu hụt cục bộ khiến giá bán bị đẩy lên cao, nhưng lại có những nơi rau bị đổ bỏ, thực phẩm không tiêu thụ được, quan điểm của Bộ về vấn đề này như thế nào và giải pháp nào để giải quyết tình trạng này, thưa ông?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chúng ta phải căn cứ nhu cầu đối với từng loại nông sản mỗi ngày cần bao nhiêu như: gạo, rau, quả, thịt, trứng, sữa cần bao nhiêu để có kế hoạch cung ứng, khi đó mới tính đến các điểm bán hàng cung ứng hàng hóa là bao nhiêu điểm, như: siêu thị, chợ đầu mối, chợ tạm… Có như thế, để có biện pháp phòng, chống dịch tại những địa điểm đó chặt chẽ, vừa chủ động được nguồn cung, kênh phân phối và chủ động phòng chống Covid-19.
Bây giờ chúng ta đã có “luồng xanh” toàn quốc, kể cả đường bộ, giao thông thủy nội địa nhưng vấn đề tổ chức thực hiện phải thống nhất. Ví dụ, bây giờ là test nhanh hay xét nghiệm PCR giải trình tự gien và giấy xét nghiệm có giá trị trong 3, 5, hay 7 ngày phải thống nhất để không tạo ra sự không thống nhất giữa các địa phương. Đây chính là mấu chốt để chúng ta có “luồng xanh quốc gia” thông suốt và triển khai được nguồn nông sản đến các kênh tiêu thụ, rồi các hình thức tiêu thụ như: các chợ, trung tâm, siêu thị, các địa điểm tiện ích nhất cho người tiêu dùng với 18 tỉnh, thành phố với Thành phố Hồ Chí Minh với số lượng dân cư rất lớn. Do vậy, việc tạo “luồng xanh” từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ và phải tổ chức thực hiện nghiêm. Đây là yếu tố rất quan trọng, đảm bảo nguồn cung nông sản dồi dào cung cấp tới người tiêu dùng và không gây thêm áp lực cho phòng chống dịch.
PV: Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng như một số địa phương vừa qua kiến nghị rất cần bảo vệ các vùng sản xuất nhưng không để tình trạng cấm nông dân ra khỏi nhà, gây khó khăn trong đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tính đến giải pháp như thế nào, nhất là tại những vùng trọng điểm về sản xuất và chăn nuôi, thưa ông?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Nguồn cung là một vấn đề của nông nghiệp, còn về sản xuất, nếu chúng ta không có chủ động từ bây giờ với diễn biến dịch hiện nay 2 tháng nữa sẽ rất khó khăn cho sản xuất nông sản trong giai đoạn tiếp theo. Bộ đã phân công các nhiệm vụ cho các Thứ trưởng phụ trách triển khai các hội nghị trực tuyến và đảm bảo được kế hoạch. Theo đó, về vụ Đông Xuân đã làm tốt, giờ là vụ Thu Đông, Hè Thu phải tiếp tục triển khai. Giải pháp về khai thác và nuôi trồng thủy sản; phát triển chăn nuôi gia cầm; phát triển chăn nuôi lợn; chăn nuôi gia súc đều phải được triển khai.
Các chốt kiểm dịch kiểm soát chặt chẽ nhưng không có nghĩa là ngăn cấm. Phần vật tư nông nghiệp phải được lưu thông thuận tiện để đảm bảo cho chu kỳ sản xuất mới có hiệu quả, đảm bảo sản lượng nông sản cho chu kỳ sắp tới. Nếu tập trung chống dịch mà không tập trung vào sản xuất thì “mục tiêu kép” sẽ không đạt được và lúc đó sẽ rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu nông sản, thiếu vật tư, thiếu nguồn cung phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
PV: Trong trường hợp dịch Covid 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự phòng những kịch bản nào để nông sản không thiếu hụt hay ứ thừa, vừa đảm bảo nguồn cung trong nước nhưng cũng đảm bảo sản lượng nông sản sau thu hoạch phải được xuất khẩu?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Những khu vực có dịch Covid-19 xảy ra đều được cách ly và phong tỏa; những tỉnh, thành và khu vực không có dịch hay khu công nghiệp, khu chế xuất của doanh nghiệp đều được tổ chức sản xuất bình thường. Việc cấm triệt để khiến ách tắc sản xuất, ách tắc lưu thông là không đúng theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Việc tổ chức sản xuất vẫn phải được triển khai bình thường.
Những năm tháng khó khăn vừa đánh giặc vừa sản xuất, đến bây giờ vừa chống dịch nhưng chúng ta vẫn phải tổ chức sản xuất bình thường để đạt “mục tiêu kép”. Những địa phương nào, những khu vực nào thiếu nhân lực chắc chắn sẽ có sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang như: Quân đội, Công an và những tổ chức có thể chia sẻ được với các tỉnh, thành để làm sao đảm bảo sản xuất tương đối đồng bộ và xuyên suốt. Tạo được “luồng xanh” một cách chủ động và tổ chức thực hiện nghiêm túc thì sẽ nông sản không ế thừa.
Không để tình trạng “gà công nghiệp không ra khỏi chuồng” “lợn chạm đáy không ra được chuồng” “dứa thu hoạch cũng bỏ ngoài đồng” không đưa vào khu vực tiêu thụ được. 18 tỉnh, thành phố với Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng dân cư rất lớn, do vậy, việc tổ chức phân phối tiêu thụ phải đảm bảo nguyên tắc chống dịch nhưng cũng phải đảm bảo lưu thông; vừa thúc đẩy sản xuất, giải quyết khó khăn trong tiêu thụ nông sản.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.