Hơn một tuần nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ghi nhận của VietNamNet tại vườn hoa ở Hà Nội như Tây Tựu và tại chợ hoa Quảng An, cả làng trồng hoa cho đến chợ buôn đang lao đao vì giá giảm mạnh mà vẫn vắng khách đến mua.
Tây Tựu, làng hoa tấp nập bậc nhất Hà thành nay đìu hiu, tĩnh lặng. Lác đác một vài chủ vườn cùng thương lái tìm đến nhập hoa tươi. Nhiều chủ vườn cả tuần nay đứng ngồi không yên khi nghe tin tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.
Nhìn những luống hoa tự tay bản thân chăm bẵm cả năm trời nay nguy cơ "đổ sông, đổ bể', bà Nguyễn Thị Tưởng - chủ một vườn hoa ở Tây Tựu - cho biết, thời điểm này năm ngoái hoa đã được thương lái đặt mua hết, chỉ đợi ngày xuống phố. Nhưng năm nay, hầu hết các vườn hoa Tết ở đây vẫn ế ẩm, nhiều hộ trồng hoa vẫn chưa có thương lái đến đặt.
Bà Nguyễn Thị Tưởng bên những luống hoa ế khách cuối năm.
Theo bà Tưởng, thị trường hoa lớn là Quảng Ninh, Hải Phòng và Hải Dương đã bị phong tỏa do dịch Covid-19 nên nhiều thương lái đang điêu đứng, không biết lấy hoa sẽ nhập đi đâu. Bên cạnh đó, hàng chục loại hoa năm nay giảm sút mạnh như: cúc trắng, cúc vàng, hoa ly giảm gần một nửa giá so với thị trường năm ngoái vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Gia đình bà Tưởng có ba sào đất trồng hoa, các luống hoa đang trong thời vụ thu hoạch, dù đã lường trước giá đã giảm mạnh nhưng nhìn cảnh vắng khách, cả nhà bà vẫn mất ăn mất ngủ vì lo không bán được hết trong Tết.
Không chỉ ế ẩm tại các làng hoa, tại chợ hoa lớn nhất miền Bắc - chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) cũng trong cảnh đìu hiu, nhiều tiểu thương lắc đầu buồn chán vì thưa thớt khách mua. Khác hoàn toàn với cảnh chen chúc và không khí náo nhiệt như mọi năm.
Khác với cảnh tượng đông đúc mọi năm, chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) những ngày giáp Tết thì năm nay khu chợ rơi vào tình trạng ế ẩm.
Trong khi đó, vì dịch bệnh nên nhu cầu về hoa giảm nhiều, còn hoa của các hộ dân đến ngày thu hoạch vẫn đổ về khiến giá giảm thê thảm.
Cụ thể, một bó hoa hồng đẹp trước dịch có thể bán từ 70.000-80.000 đồng thì nay chỉ còn khoảng 40.000 đồng, còn mỗi bó hoa cúc trắng giá khoảng 80.000 đồng giờ giảm xuống một nửa chỉ còn 40.000 đồng.
Chị Lan, tiểu thương tại chợ hoa này, cho hay, trong thời điểm dịch bệnh, giá hoa sút giảm là điều không tránh khỏi, nhưng giá giảm quá nhiều mà vẫn không có người mua khiến chị rất lo lắng vì đã nhập rất nhiều hoa về phục vụ cho Tết.
“Khách ít, vắng lắm. Giờ chợ ế, không có người mấy đâu, hoa tươi một hai ngày không bán được phải bỏ đi. Trước đó nhà tôi cũng bán online nhưng lúc được lúc không, mà bán tại cửa hàng thì ế ẩm, từ sáng đến giờ mới bán được 5 bó”, chị Lan tâm sự.
Chợ hoa Hàng Lược trở nên vắng vẻ chưa từng có, cả ngày chìm trong cảnh đìu hiu.
Khác với những khu chợ thông thường, chợ Quảng Bá (Quảng An, Hà Nội) chỉ tấp nập vào ban đêm. Trước dịch, chợ hoa Quảng Bá luôn tấp nập khách mua bán. Nhưng vài ngày gần đây, khu chợ này bỗng thưa thớt hơn hẳn.
Chị Hà Thị Thu - tiểu thương kinh doanh lâu năm tại chợ hoa Quảng Bá - cho biết: "Hoa ở chợ lúc nào cũng tươi vì đúng thời tiết, đúng mùa, đảm bảo chất lượng. Hoa tại đây có nhiều nguồn, có thể từ các nhà vườn ở miền Bắc, Đà Lạt, hay thậm chí hoa nhập từ các nước khác" - chị Hà nói và chia sẻ thêm rằng nếu không phải ngày lễ thì vào mỗi cuối tuần, khách cũng ghé chợ xem hoa nhiều hơn.
Thế nhưng, sau khi các ca dịch bệnh được công bố thì hoạt động tại chợ giảm đi đáng kể. Dù đã 10h tối, nhưng lượng khách qua lại chợ vẫn khá thưa thớt. Theo các tiểu thương, chỉ trong 2 ngày, lượng khách tới chợ đã giảm 30 - 40% và chuyển qua mua online nhiều hơn.
Năm nay, chỉ còn gần chục ngày nữa là tới Tết Nguyên đán, nhưng hoa đào bày bán tại chợ Quảng Bá khá thưa thớt. Đào rừng cũng không nhiều như những năm trước. Thay vào đó, các loại hoa phục vụ cho cúng giỗ như hoa cúc lại ghi nhận có mức tăng đáng kể.
Vài ngày gần đây, khu chợ Quảng Bá bỗng thưa thớt hơn hẳn.
Chợ Hàng Bè - khu chợ được mệnh danh là "chợ nhà giàu" ở phố cổ Hà Nội vì thực phẩm tươi ngon nhưng giá rất đắt. Trái ngược với ngày thường, những ngày cuối năm, không còn cảnh đông đúc, tấp nập người qua lại sắm đồ mà là khung cảnh đìu hiu, thưa thớt người qua lại.
Toàn bộ khu chợ chỉ dài vài trăm mét với hơn 20 cửa hàng dọc phố Hàng Bè, Gia Ngư, Cầu Gỗ và một phần ngõ Trung Yên thuộc khu phố cổ Hà Nội. Đây là khu chợ nổi tiếng từ lâu với nhiều món ăn đặc sản được chế biến sẵn.
Khác với cảnh người bán gà làm việc không ngớt tay trước dòng người xếp hàng dài tại các hàng bán gà và xôi phục vụ cho ngày mùng 1 thì năm nay các hàng gà thưa thớt người qua lại.
Một nhân viên tại cửa hàng gà này cho biết, bán hàng nhiều năm tại chợ Hàng Bè nhưng chưa năm nào lại vắng khách như năm nay, lượng khách cũng như lượng hàng bán ra giảm đến 70%. "Chưa bao giờ tại chợ Hàng Bè này lại có thể nhìn được từ đầu đến cuối chợ", chị nhân viên nói.
Lượng khách cũng như lượng hàng bán ra ở chợ Hàng Bè giảm đến 70%.
Hàng hoa quả ở chợ Hàng Bè hôm nay cũng được chuẩn bị phong phú hơn mọi ngày, có thêm nhiều chuối nải xanh để phục vụ khách mua cúng lễ nhưng cũng vắng người hỏi mua.
Chị Phạm Hồng Vân - hàng xôi chè trên chợ Hàng Bè cho biết, phần lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho lượng người đến mua sắm giảm sút nhiều, không chỉ là 50% mà là 70% so với cùng kì năm ngoái.
"Bán hàng nhiều năm ở đây, nhưng chưa năm nào thấy những ngày này lại vắng vẻ và đìu hiu thế này", chị Vân nói.
Lượng khách ít ỏi ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động kinh doanh mua bán thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu có ý định ra ngoài mua sắm thì người dân nên nâng cao ý thức phòng dịch.
Theo Tiêu dùng