Tại TP HCM tỷ lệ bỏ sót ca bệnh lao trong cộng đồng đã giảm còn khoảng 20%, nhưng vẫn còn rất cao ở nhóm người cao tuổi. Trong 8 quận huyện triển khai Chương trình “Chăm sóc đúng” do Hội Y tế công cộng TPHCM phối hợp bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thực hiện với sự tài trợ của tổ chức FIT, Quận Gò Vấp, Quận 12 và Huyện Bình Chánh có tỷ lệ bỏ sót cao nhất. Việc bỏ sót bệnh nhân lao dẫn đến nguy cơ kéo dài dịch lao, không thể kết thúc dịch lao vào năm 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ, gây tác hại cho người bệnh, gia đình và sự phát triển kinh tế của địa phương.
Trước nguy cơ dịch bệnh kéo dài, Hội Y tế công cộng TP HCM đã vận động và được các tổ chức quốc tế StopTB, IRD (thông qua tổ chức FIT) hỗ trợ thêm kinh phí và các công nghệ mới nhất để tầm soát phát hiện ca bệnh lao và bệnh lao tiềm ẩn để thu dung, quản lý điều trị. Việc tầm soát, chẩn đoán và thu dung điều trị lao tiềm ẩn đã được Tổ chức Y tế thế giới xác định là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định để kết thúc dịch lao.
Để tăng cường hiệu quả tầm soát phát hiện bệnh nhân mắc lao (đặc biệt trong nhóm người cao tuổi) và bệnh nhân mắc lao tiềm ẩn (đặc biệt ở trẻ em), Hội Y tế công cộng TP HCM và Ban Quản lý Dự án Viện Ban không còn bệnh lao (ZTV) tại TP HCM phối hợp với Uỷ Ban Nhân dân quận huyện tổ chức Chiến dịch “Chủ động phát hiện, thu dung và quản lý điều trị bệnh nhân lao” . Bước đầu, Chiến dịch được triển khai tại 3 quận, huyện là Quận Gò Vấp, Quận 12 và Huyện Bình Chánh.
Mục tiêu của Chiến dịch:
- > 60% người thuộc diện chụp X quang được chụp X quang phổi tầm soát bệnh lao.
- > 90% người có hình ảnh X quang bất thường nghi lao được làm xét nghiệm Xpert – phương pháp chẩn đoán lao tiên tiến hiện nay
- > 95% người có chẩn đoán lao được thu dung điều trị
- > 90% người điều trị lao được quản lý điều trị thành công
- > 60% người thuộc diện tầm soát lao tiềm ẩn được xét nghiệm và chẩn đoán
- > 90% người mắc lao tiềm ẩn được thu dung điều trị
- > 90% người được điều trị lao tiềm ẩn hoàn thành điều trị.
Đối tượng tầm soát trong Chiến dịch:
- Người cao tuổi
- Người tiếp xúc hộ gia đình có người mắc lao từ năm 2015
- Người mắc lao cũ có triệu chứng nghi lao
- Người tiếp xúc cộng đồng, người đang sinh sống trong khu vực nguy cơ: khu lao động nghèo, khu nhà trọ… có triệu chứng nghi lao
- Những người đã nhận phiếu chuyển X quang trước đây nhưng chưa đến tầm soát tại Tổ chống lao.
- Người tự đến có triệu chứng nghi lao
Các bước thực hiện Chiến dịch:
- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến dịch của quận, huyện do 1 lãnh đạo UBND quận huyện làm Trưởng ban. Thành phần Ban Chỉ đạo gồm các ban ngành, đoàn thể liên quan, trong đó Giám đốc Trung tâm y tế và lãnh đạo Hội người cao tuổi làm thường trực.
- Thành lập Ban Chỉ đạo của từng phường/xã sẽ triển khai thực hiện chiến dịch. Ban Chỉ đạo phường xã do 1 lãnh đạo UBND phường/ xã làm trưởng ban. Thành phần gồm các ban ngành, đoàn thể, ban điều hành khu phố/ấp, trong đó Trưởng Trạm y tế và Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi của phường/ xã làm thường trực.
- Tổ chức Hội nghị triển khai cấp quận /huyện và cấp phường/ xã
- Truyền thông vận động
- Lập Danh sách và gửi Thư mời đến người trong diện tầm soát
- Tổ chức điểm tầm soát
Thời gian thực hiện Chiến dịch: 3 đợt
- Đợt 1: tháng 10, 11, 12 năm 2018. Tập trung thực hiện ở quận Gò Vấp
- Đợt 2: tháng 4, 5, 6 năm 2019: thực hiện ở quận 12, huyện Bình Chánh.
- Đợt 3: tháng 7, 8, 9 năm 2019: thực hiện ở huyện Bình Chánh
Mọi chi tiết về chiến dịch xin vui lòng liên lệ ThS.BS Vũ Nguyên Thanh: 0908058246
Trung Việt