Một khoản mục trên báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2021 của Tập đoàn Vingroup cho biết, trong 6 tháng đầu năm chi phí R&D là 1.752 tỷ đồng. Khoản mục được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp và là phần chi cho các dự án R&D đã... đóng.
Như vậy, có thể thấy, 1.752 tỷ đồng trên chỉ là "mẩu nhỏ" trong tổng ngân sách R&D "khủng" mà Tập đoàn này đã chi cho các hoạt động nghiên cứu phát triển của mình.
Thực tế, chi phí R&D của VinFast đến nay đã lên tới 41.352 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ đô để phát triển 3 mẫu ô tô xăng và sắp tới là những mẫu ô tô điện. Chiếm tỉ trọng lớn nhất là 27.723 tỷ đồng chi cho nghiên cứu phát triển xe, được ghi nhận trong khoản mục tài sản cố định vô hình và hạng mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang các dự án của VinFast.
Các chi phí cho phần khuôn để sản xuất linh kiện - một cấu phần quan trọng để phát triển xe cũng lên tới 11.877 tỷ đồng, được ghi nhận trong khoản mục tài sản cố định hữu hình.
Đặc biệt, 1.752 tỷ đồng là phần nghiên cứu và phát triển cho các dự án đã dừng, chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng chi cho R&D. Đây là tỷ lệ tất yếu và hoàn toàn chấp nhận được trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm của bất cứ doanh nghiệp nào.
Quay lại con số gần 2 tỷ USD đã chi cho R&D, theo đánh giá của giới chuyên môn, VinFast đã sử dụng đồng vốn hiệu quả. Có thể thấy ngay khi nhìn vào vị thế số 1 phân khúc của cả 3 mẫu xe đầu tiên đã ra mắt thị trường là Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0, có chất lượng tiêu chuẩn châu Âu cùng độ an toàn 5 sao đã được khẳng định. Đặc biệt, VinFast đầu tư rất lớn cho phát triển ô tô điện, từ việc tuyển dụng liên tiếp những nhân sự cấp cao, đội ngũ chuyên gia hàng đầu và thành lập những viện nghiên cứu lớn. Nhờ vậy, ngoài mẫu xe máy, xe buýt điện đầu tiên đã được đưa vào vận hành, những mẫu ô tô điện sắp tung ra thị trường cũng được đánh giá mang hàm lượng công nghệ cao.
Đơn cử như những chiếc xe tự hành cấp độ 4 của Vingroup mới đây đã chính thức được thử nghiệm - một mẫu xe hoàn toàn không cần tài xế. Đây là công nghệ mà nhiều hãng đang so kè quyết liệt nhưng chỉ một số ít phát triển thành công. Phần lớn những mẫu xe tự hành trên thế giới hiện mới chỉ ở cấp độ 2, tức là vẫn đòi hỏi tài xế phải tham gia vào quá trình vận hành.
Ngay cả với mẫu ô tô điện VF e34 vừa chính thức lộ diện, một loạt những tính năng thông minh đã xuất hiện như hệ thống trợ lý ảo với khả năng thông thạo tiếng Việt của nhiều vùng miền, hệ thống tự học hành vi của người dùng để đề xuất chương trình giải trí phù hợp hay ứng dụng thông minh trên điện thoại giúp tương tác và điều khiển xe từ xa. Riêng về an toàn, một loạt "đặc quyền" thông minh sẽ xuất hiện như cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, cảnh báo luồng giao thông đến khi mở cửa, cảnh báo chệch làn, cảnh báo điểm mù,...
Ngoài những tính năng thông minh bậc nhất trên ô tô điện, hãng này còn muốn hướng tới những công nghệ đỉnh cao về hệ thống pin. Mới đây, lãnh đạo Vingroup đã tiết lộ việc đang bắt tay với những đối tác tại nhiều nước trên thế giới để làm ra những thế hệ pin tiên tiên nhất, đó là công nghệ pin thể rắn hay pin sạc siêu nhanh với thời gian có thể chỉ 4-5 phút để đầy 80% dung lượng.
Rõ ràng, cơ hội đang mở ra bởi xe điện vẫn là cuộc chơi ở thời kì "sơ khai", sự hơn kém nhau về công nghệ chưa lớn. VinFast nếu nắm trong tay chìa khóa công nghệ của riêng mình, cánh cửa để những chiếc xe Việt Nam chạy trên đường phố thế giới là rất rộng mở.
Có lẽ đây chính là một trong những lí do chính để VinFast tập trung đầu tư vào R&D để tìm cơ hội vượt trội. Ở một sân chơi toàn cầu, với những cá mập sừng sỏ nhất thế giới, vũ khí duy nhất không gì khác là những sản phẩm ô tô phải thông minh, hiện đại để thuyết phục người dùng. Dự đoán trong vài năm tới, chi phí R&D của VinFast sẽ còn gây bất ngờ cho thị trường và đối thủ.
Theo Nhịp sống kinh tế