Để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương sử dụng tiền ngân sách để mua sắm các loại sinh phẩm, vật tư xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng hình thức xét duyệt chỉ định thầu. Tuy nhiên, khi thực hiện, dường như chưa có sự quản lý chặt chẽ từ phía các đơn vị liên quan, khiến cho giá đấu thầu ở các địa phương chênh lệch nhau rất lớn.
“Loạn” giá chỉ định thầu cao bất thường
Ngày 22/9/2021, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thuộc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã có Quyết định số 289/QĐ-KSBT về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu rút gọn gói thầu “Mua sắm test kháng nguyên SARS-CoV-2 (bộ test nhanh) phục vụ phòng, chống dịch Covid-19”.
Theo đó, đơn vị này phê duyệt cho Công ty CP Armephaco trúng thầu cung cấp 1,5 triệu test kháng nguyên SARS –CoV02 (phân nhóm 4) có tên thương mại StandardTM Q Covid-19 Ag Test do công ty SD Biosensor Inc (Hàn Quốc) sản xuất. Đơn giá sau thuế (đã bao gồm các khoản phí) của gói thầu là 135.000 đồng/test, tổng giá trị là 202,5 tỷ đồng.
Giá nhập khẩu loại kit này chỉ khoảng 2,5 USD/test (khoảng 57.000 đồng)…các công ty trúng chỉ định thầu với giá 175.000 đồng/test
Trước đó 2 tháng, ngày 22/7/2021, Sở Y tế tỉnh Bà rịa Vũng Tàu cũng đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu “Mua sắm test kháng nguyên SARS-CoV-2 phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 (đợt 5)”. Đơn vị trúng thầu của đợt này cũng là Công ty CP Armephaco, sản phẩm cung cấp cũng là StandardTM Q Covid-19 Ag Test, cũng với đơn vị trúng thầu nêu trên, cung cấp cùng loại test và cùng nhà sản xuất này, nhưng mức giá lên đến 175.000 đồng/test.
Tại Đồng Nai, ngày 13/7/2021, Trung Tâm Y tế huyện Tân Phú đã ban hành 2 Quyết định số 128/QĐ-TTYT và 129/QĐ-TTYT để thực hiện chỉ định thầu mua test nhanh kháng nguyên. Đáng chú ý, 2 Quyết định này, lại chỉ định để mua 2 loại test với 2 mức giá khác nhau.
Cụ thể, Quyết định số 129 về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu mua test xét nghiệm Panbio COVID-19 Ag Rapid test Device với số lượng 10.000 test, mức giá 178.500 đồng/test.
Thế nhưng, với Quyết định số 128 việc thực hiện mua test xét nghiệm Trueline COVID-19 Ag Rapid test với số lượng 5.000 test, chỉ ở mức giá 135.000 đồng/test.
Theo tìm hiểu của PV, test Trueline COVID-19 Ag Rapid test cũng đã được CDC Long An lựa chọn tại Quyết định số 43/QĐ-KSBT ngày 28/5/2021 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Mua sắm sinh phẩm, vật tư xét nghiệm SARS-CoV2 tại cộng đồng và cơ sở y tế năm 2021”. Với 11.000 test, tổng số tiền mà đơn vị này phải bỏ ra là 1,485 tỷ đồng (tức 135.000 đồng/test).
Ngày 28/6/2021, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa thuộc Sở Y tế Long An cũng thực hiện gói thầu mua 7.000 test này với giá 135.000 đồng/test.
Thế nhưng, điều bất ngờ là 2 ngày sau (tức ngày 30/6/2021), Công ty CP Bệnh viện Mỹ Hạnh tại Long An đã ký hợp đồng mua sản phẩm Trueline COVID-19 Ag Rapid test chỉ với giá 108.000 đồng/test.
Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, ngày 25/7/2021, Viện Y dược học dân tộc thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã có Quyết định số 531/QĐ-VYDHDT về phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu với số lượng 10.000 test Trueline COVID-19 Ag Rapid test. Tại gói thầu này, mức giá của mỗi test chỉ là 99.750 đồng.
Rõ ràng, cùng một loại test, nhưng nhiều địa phương lại đang có các mức giá khác nhau (?).
Ngày 24/9/2021, CDC tỉnh Vĩnh Long cũng ra Quyết định số 1405/QĐ-KSBT về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu rút gọn gói thầu mua vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm triển khai phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime - PCR.
Nhà thầu được chỉ định trong Quyết định này là Công ty CP Y tế Đức Minh. Sản phẩm cung cấp là Standard TM nCoV Real-Time Detection Kit, hãng sản xuất SD Biosensor Inc/Hàn Quốc. Số lượng sản phẩm là 110 hộp (96 test/hộp), đơn giá 26.880.336 đồng/hộp (tính bình quân hơn 280.000 đồng/test). Tổng giá trị gói thầu hơn 2,95 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo thông tin mà PV có được, hồ sơ nhập khẩu của Công ty CP Y tế Đức Minh ngày 26/8/2021 cho thấy, sản phẩm này được công ty nhập khẩu chỉ với mức giá 4,23 USD/test (tức tương đương với 97.200 đồng).
Thông tin về giá nhập khẩu này, phù hợp với văn bản số 7263/BYT-KH-TC ngày 01/9/2021 của Bộ Y tế gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc xin ý kiến phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để mua sinh phẩm xét nghiệm SARSCoV-2.
Theo đó, chi phí để mua sản phẩm (cùng tên và nhà sản xuất) với giá 4,25 USD/test và cộng các loại chi phí vào thì giá khoảng 4,46 USD/test, tương đương với mức giá khoảng 102.500 đồng, thấp hơn so với giá chỉ định thầu rút gọn của CDC Vĩnh Long đến 177.500 đồng/test.
“Đuối” chi phí, doanh nghiệp và người dân mong bình ổn giá test nhanh Covid-19
Áp lực “đổ đầu” dân?
Có thể nói, Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Đến thời điểm hiện tại, kinh phí chống dịch vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào ngân sách quốc gia. Chính vì vậy, việc mua sắm các sinh phẩm thiết bị phục vụ cho chống dịch, phải được các địa phương “tính toán sao cho khéo” để tiết kiệm cho ngân sách.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc mỗi địa phương áp dụng chỉ định thầu để mua sắm các loại vật tư, sinh phẩm khác nhau, với nhiều mức giá khác nhau đang khiến cho thị trường các sản phẩm này trở nên “loạn”. Đáng chú ý, trong khi giá nhập khẩu bộ test nhanh chỉ dao động từ 2-2,5 USD/test (quy đổi tương đương khoảng 46.000 - 57.000 đồng/test), nhưng giá chỉ định thầu rút gọn của các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, vật tư y tế trong nước lên đến từ 135.000 – 178.000 đồng/test. Còn với bộ test PCR có giá nhập khẩu 4,25 USD/test và cộng các loại chi phí vào thì giá khoảng 4,46 USD/test (tương đương khoảng 108.000 đồng/test)…nhưng giá chỉ định thầu lên đến 280.000 đồng/test.
Và dư luận không thể không đặt ra câu hỏi, liệu có sự mập mờ, khuất tất nào đằng sau những “gói thầu chỉ định” này hay không?
Cũng phải nói thêm, hiện nay, việc yêu cầu người dân khi di chuyển phải có giấy xét nghiệm âm tính có giá trị trong vòng 72 giờ, cũng đang gây nên áp lực không nhỏ cho người dân, doanh nghiệp.
Chị Mai Hương (đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) cho biết, sau hơn 4 tháng phải đóng cửa vì dịch, mới đây, shop hoa của chị đã khai trương trở lại sau khi TP áp dụng các biện pháp “bình thường mới”.
Thế nhưng, mới chỉ mấy ngày, chị Hương đã phải “đau đầu” khi nhắc tới “nỗi ác mộng” mang tên giấy xét nghiệm âm tính.
“Shop mình, có 2 nhân viên giao hoa. Trước thì chẳng sao, nhưng giờ cứ 3 ngày là phải làm xét nghiệm âm tính 1 lần. Tính ra, mỗi tuần mình mất ít nhất 1,4 triệu đồng chỉ dùng cho xét nghiệm. Shop mới mở, khách hàng chưa quay lại nhiều, mà chỉ tính mỗi cái xét nghiệm để đi lại cũng đã mấy triệu 1 tháng, nghĩ đến thôi cũng đã mệt” – chị Mai Hương chia sẻ.
Cũng trong tâm trạng bức xúc, bà Phạm Thùy Linh, quản lý Công ty Saigon Trans cho biết, vì hoạt động trong lĩnh vực vận tải nên chỉ tính riêng tháng 7/2021 doanh nghiệp này đã có 176 lần test nhanh, với chi phí hơn 58.4 triệu đồng (chưa kể khám sàng lọc), tháng 8 hơn 28 triệu đồng và tháng 9 là 23,8 triệu đồng. Trong đó, giá test nhanh thấp nhất là 238.000 đồng/test và cao nhất là 430.000 đồng/test: “Nếu kéo dài tình trạng này, chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục bị đội giá, chắc chắn chúng tôi sẽ không chịu nổi nữa” - Bà Linh nói.
Cần phải biết, ngày 7/7/2021, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 5378/BYT-KHTC hướng dẫn về mức giá thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 từ ngày 01/7/2021.
Theo đó, mức giá xét nghiệm nhanh trước ngày 01/7/2021 với đối tượng tham gia BHYT thực hiện theo mức giá 238.000 đồng; đối tượng không thanh toán BHYT thực hiện theo mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt tối đa là 238.000 đồng.
Ngày 14/5/2021, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản số 2729/SYTKHTC gửi CDC và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế về việc chấn chỉnh việc thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 theo yêu cầu.
Cụ thể, TP áp dụng mức giá xét nghiệm PCR đối với trường hợp xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR tối đa 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm và test nhanh đối với trường hợp tối đa là 238.000 đồng/mẫu xét nghiệm. Mức giá này chưa được cộng thêm chi phí khám sàng lọc.
Theo khảo sát của PV báo Kinh tế & Đô thị, hiện nay, mức giá xét nghiệm Covid-19 ở các cơ sở y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang có sự chênh lệch tương đối lớn. Nếu như một đơn vị y tế test nhanh Covid-19 chỉ ở mức 75.000, 105.000 hay 120.000 đồng/lần, thì Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ lại thu phí 338.000 cho một lần test nhanh; Bệnh viện Quốc tế Columbia Asia thu phí giá test nhanh là 300.000 đồng/lần, giá teset PCR là 1,9 triệu đồng/lần. Cá biệt, Bệnh viện FV 1 lần test nhanh là 500.000 đồng và 3,2 triệu đồng/lần test PCR…
Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch về mức giá xét nghiệm Covid-19 giữa những đơn vị này? Liệu, nó chỉ là sự khác nhau về “chi phí khám sàng lọc”, “chi phí dịch vụ”,…hay còn xuất phát bởi chính sự khác nhau về giá tiền kit test nhanh và kit test PCR từ các gói chỉ đình thầu?
Để đến cuối cùng, thiệt hại vẫn là ngân sách nhà nước và nhân dân…
Vậy, chỉ định thầu là gì, vì sao Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương được phép chỉ định thầu để mua sắm sinh phẩm, vật tư xét nghiệm SARS-CoV-2 (còn nữa)?.