Sáng 27/5, tại TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lễ khánh thành cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống, thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong.
Khánh thành cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền sau hơn 4 năm thi công. Ảnh: An Phú.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí và vai trò quan trọng với sự phát triển của Việt Nam. Đây là vùng đất có nhiều lợi thế phát triển kinh tế trên đất liền, biển, mở rộng hợp tác với Tiểu vùng sông Mekong và là vựa lúa lớn nhất của cả nước.
Để vùng đất này phát huy hết tiềm năng và phát triển bền vững, hệ thống cơ sở hạ tầng phải được phát triển đồng bộ, theo hướng thông minh, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
"Cầu Cao lãnh là công trình quan trọng nối liền đôi bờ sông Tiền, đáp ứng mong mỏi nhiều đời nay của người dân Đồng Tháp nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung", ông Trịnh Đình Dũng nói.
Tham dự lễ khánh thành còn có Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các bộ ngành trung ương và tỉnh Đồng Tháp.
Khi cầu Cao Lãnh và tuyến nối Cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống được đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn khoảng cách và tiết kiệm nhiều thời gian cho các phương tiện lưu thông từ Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp về TP HCM. Ảnh: An Phú.
Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền thuộc thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp); cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8 km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35 km phía thượng lưu.
Cầu dài hơn 2 km, phần chính là dây văng, nhịp chính dài 350 m, dầm bêtông cốt thép dự ứng lực, trụ tháp hình chữ H cao hơn 123 m. Mặt cầu rộng 24,5 m gồm 4 làn ôtô và 2 làn xe thô sơ.
Công trình mất hơn 4 năm xây dựng, tổng kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á và đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, cầu Cao Lãnh sẽ mang lại lợi ích cho cuộc sống của 5 triệu người dân thông qua việc kích thích đầu tư tư nhân và công nghiệp địa phương, đẩy mạnh các mặt hàng xuất khẩu.
Tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống được thiết kế dài hơn 21 km đi qua tỉnh Đồng Tháp, với quy mô mặt đường rộng 20,6 m, tốc độ thiết kế là 80 km/h.
Đây là cầu dây văng thứ 3 bắc qua sông Tiền sau cầu Mỹ Thuận và Rạch Miễu. Ảnh: Cửu Long.
Cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống là các dự án thành phần thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong (tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng). Công trình quan trọng này góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh trong khu vực.
Hai công trình này sẽ rút ngắn hơn 20 km và tiết kiệm gần 2 tiếng di chuyển chongười dân từ An Giang, Kiên Giang qua Đồng Tháp Mười, rồi lên TP HCM. Bởi người dân không phải chạy vòng theo Quốc lộ 80 về cầu Mỹ Thuận rồi theo Quốc lộ 1 về Sài Gòn như cũ, mà khi qua phà Vàm Cồng (cầu Vàm Cống sắp hoàn thành) thì phương tiện vào đường nối qua cầu Cao Lãnh chạy thẳng về đường N2 (vành đai) TP HCM.
Dự án còn kết nối với tuyến N2 hiện hữu, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang thi công, hình thành nên trục giao thông quan trọng kết nối TP HCM với các tỉnh thành miền Tây. Từ đây sẽ từng bước hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cửu Long/Vnexpress