Tại Italy, số ca nhiễm mới trong ngày hôm qua tăng thêm 5.249 lên 69.176, thêm 743 trường hợp tử vong, nâng số người chết lên 6.820. Hiện tại, ổ dịch lớn nhất châu Âu ghi nhận số ca nhiễm mới đã tăng chậm hơn, nhưng trường hợp tử vong vẫn tăng với tốc độ đáng kể. Theo con số mới ghi nhận, số ca tử vong ở Italy đã cao gấp đôi so với Trung Quốc.
Mỹ ngày 24/3 cũng ghi nhận thêm 9.861 trường hợp nhiễm bệnh mới, nâng tổng số ca lên 53.595, thêm 143 ca tử vong, với tổng số người chết là 696. Theo Đại học John Hopkins, số ca nhiễm ở Mỹ đã tăng gấp 10 lần chỉ trong 1 tuần vừa qua. Hôm 1/3, quốc gia này chỉ ghi nhận khoảng 100 ca nhiễm. Theo đó, Tổng thống Trump đã yêu cầu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cung cấp thiết bị y tế, giúp nước này ứng phó với dịch bệnh. Ông Moon cho biết Hàn Quốc sẽ hỗ trợ tối đa cho Mỹ.
Margaret Harris - người phát ngôn của WHO, mới đây phát biểu, Mỹ đang cho thấy sự gia tăng mạnh về số lượng bệnh nhân Covid-19 và có thể sẽ trở thành một ổ dịch mới của thế giới. Trong 24 giờ tính đến 10 giờ sáng ngày 23/3 tại Geneva, 40% số ca nhiễm mới đều ở Mỹ, với số ca nhiễm mới nhiều nhất thế giới. Ngoài ra, bà cũng cho biết, số ca tử vong của Covid-19 thậm chí cao hơn so với 2 năm đầu tiên khi Ebola bùng phát.
Tây Ban Nha hiện là ổ dịch lớn thứ 2 châu Âu, ghi nhận thêm 4.749 ca nhiễm mới, tổng cộng có 39.885 ca và 2.808 trường hợp tử vong, tăng thêm 497 người so với ngày hôm trước. Trong khi đó, thủ đô Mandrid đã có tới hơn 12.000 người nhiễm bệnh, tương đương 1/3 tổng số ca trên cả nước. Do dịch vụ tang lễ, hệ thống y tế quá tải, nhiều trường hợp bệnh nhân cao tuổi ở nước này đã qua đời trong nhà dưỡng lão, sân trượt băng ở Mandrid trở thành nhà xác tạm thời.
Số ca nhiễm mới ở Đức tăng thêm 3.930 và thêm 34 người tử vong, theo đó tổng số người nhiễm ở nước này là 32.986 và 157 người chết. Tỷ lệ tử vong ở quốc gia này hiện là 0,47% nhờ tuổi thọ trung bình thấp hơn một số quốc gia châu Âu khác.
Anh ngày hôm qua cũng có thêm 1.427 trường hợp, nâng tổng số ca lên 8.077 và thêm 87 người chết, với số ca tử vong hiện là 422. Theo một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi Đại học Oxford, khoảng 1 nửa người dân Anh có thể đã nhiễm virus corona, báo cáo cho biết hiện tại chỉ có một số ít các trường hợp nhiễm bệnh có triệu chứng nghiêm trọng.
Là ổ dịch lớn thứ 2 châu Á, Iran hiện ghi nhận 24.811 ca nhiễm và 1.934 trường hợp tử vong. Dù hệ thống y tế gặp nhiều khó khăn do lệnh trừng phạt, nhưng một quan chức cấp cao nước này vẫn từ chối tiếp nhận sự hỗ trợ "từ bên ngoài" sau khi một tổ chức từ thiện y tế có trụ sở tại Pháp ngỏ lời giúp đỡ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chính thức áp dụng lệnh phong toả toàn quốc, kéo dài 3 tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Ấn Độ đang gặp nhiều khó khăn trong việc hạn chế những ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế cũng như lĩnh vực y tế khi dịch bệnh lây lan mạnh ở quốc gia này với 536 trường hợp nhiễm bệnh và 10 người tử vong. Tuần trước, chính phủ Ấn Độ đã gần như phong toả hoàn toàn các thành phố lớn, các chuyến tàu hoả, chuyến bay và xe buýt đường dài đều phải ngừng hoạt động.
Malaysia hiện là ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á với 1.624 ca nhiễm và 16 trường hợp tử vong. Thái Lan cũng trở thành "tâm chấn" lớn thứ 2 trong khu vực, ghi nhận 827 ca nhiễm với 4 ca tử vong. Indonesia có số người chết do Covid-19 ca nhất Đông Nam Á, với 55 ca trong tổng số 686 người nhiễm, tương đương tỷ lệ là 8%.
Theo Nhịp Sống Việt