Lượng tiêu thụ ít hơn nguồn cung cùng hàng nhập ồ ạt khiến nhiều DN ngành thép lao đao
Trong nước dư thừa, vẫn nhập khẩu
Theo Hiệp hội Thép VN, 5 tháng đầu năm nay các doanh nghiệp (DN) thành viên của hội đã sản xuất hơn 9,67 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 24% so cùng kỳ năm trước và bán hàng đạt 6,69 triệu tấn (bao gồm cả xuất khẩu 1,56 triệu tấn), tăng 35,2%. Sản xuất trong nước tăng mạnh nhưng cũng trong 5 tháng qua, cả nước vẫn chi ra hơn 4 tỉ USD để nhập khẩu hơn 5,68 triệu tấn sắt thép các loại, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Trong đó nhập khẩu lớn nhất vẫn từ Trung Quốc với khối lượng gần 50% khi đạt 2,6 triệu tấn với trị giá hơn 1,83 tỉ USD. Đáng nói, trong số đó có những loại DN nội đã sản xuất được, thậm chí dư thừa như thép xây dựng, tôn mạ màu, thép cuộn cán nguội...
Ước tính tổng năng lực sản xuất của ngành thép trong nước hiện vào khoảng 30 triệu tấn/năm, đứng đầu các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện ngành thép mới chỉ hoạt động dưới 70% công suất. Đơn cử, đối với thép xây dựng, tổng công suất của các nhà máy đang hoạt động ở mức 12 triệu tấn/năm nhưng năm 2017 mức tiêu thụ chỉ đạt 9,1 triệu tấn. Hay nhu cầu thép không gỉ (inox) gồm cả cán nóng và cán nguội trong nước hiện khoảng 490.000 tấn nhưng khả năng sản xuất đến hơn 700.000 tấn. Điều này khiến các nhà máy sản xuất inox chỉ hoạt động từ 50 - 55%. Thậm chí, lượng tiêu thụ sản phẩm cán nguội chỉ khoảng 200.000 tấn mỗi năm nhưng hàng nhập khẩu đạt hơn 60.000 tấn...
Một số DN cho biết, dư thừa nguồn cung ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn vì hàng rào tự vệ ở nhiều quốc gia. Dự báo tăng trưởng thép không gỉ trung bình 8,4%/năm thì đến năm 2021, nhu cầu gồm cán nguội và cán nóng cũng chỉ đạt 677.000 tấn. Mới đây, Tập đoàn Nguyễn Minh đã khởi công xây dựng nhà máy thép không gỉ tại tỉnh Long An và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2019. Khi đó nguồn cung sẽ tăng lên khoảng 900.000 tấn khiến lượng dư thừa vẫn ở mức cao hơn nhu cầu 200.000 tấn thép không gỉ mỗi năm.
DN ngoại muốn đầu tư để né thuế?
VN đã bắt đầu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như sử dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với sắt thép nhập khẩu như thép không gỉ cán nguội, thép mạ, thép hình chữ H, phôi thép và thép dài... Riêng với thép không gỉ cán nguội, việc áp dụng thuế CBPG đã được đưa ra từ tháng 10.2014 dành cho các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia và Indonesia. Sau hai lần rà soát mức thuế này đều được gia tăng và kéo dài đến tháng 10.2019. Theo đó, mức thuế được áp dụng cho từng nước từ 9,55 - 37,29%. Dù vậy lượng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vẫn liên tục gia tăng.
Đáng nói, nhiều DN Trung Quốc cũng đã xúc tiến kế hoạch đầu tư nhà máy thép tại VN để tránh việc bị áp thuế CBPG. Đơn cử Công ty Youngjin từ Trung Quốc đã đăng ký dự án sản xuất thép không gỉ tại Đồng Nai với công suất gần 300.000 tấn mỗi năm vẫn đang xin đăng ký đầu tư lại dù năm 2017 đã bị từ chối.
Trong công văn gửi Youngjin giữa năm 2017, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã nêu ra những lý do từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như dự án này chưa có trong quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn đến 2020 và có xét đến năm 2025 của Bộ Công thương.
Hơn nữa, Bộ Công thương khẳng định trong những năm tới, nhu cầu tiêu thụ điện tại khu vực miền Nam tăng cao trong khi các nguồn điện chưa cung cấp đủ nhu cầu. Do vậy việc đầu tư các nhà máy sản xuất thép không gỉ cán nguội vào khu vực phía nam cần hạn chế. Liên quan đến dự án trên, Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhận định: Dự án thép trong quá trình sản xuất phát sinh lượng phát thải lớn với thành phần có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao… Vì vậy, DN này khởi động lại việc xin giấy phép đầu tư được nhiều chuyên gia và DN trong nước nhận định nhằm né thuế CBPG vào VN.
Mai Phương/Thanh Niên