Bộ Công Thương cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam đồng chủ trì đã tổ chức Diễn đàn đa phương MSF 2022 ngày 19/10 tại Hà Nội. Với chủ đề: “Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và trách nhiệm tra soát”, diễn đàn thảo luận một số giải pháp thúc đẩy năng lực nội tại của DN công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 và các cuộc chiến tranh thương mại, xung đột vũ trang và lạm phát gia tăng đã tạo ra nhiều khó khăn cho DN sản xuất trên toàn cầu; đặc biệt là nguy cơ đứt gãy chuỗi giá trị, gián đoạn nguồn cung. Do đó, xu hướng tái cấu trúc, định hình và cân bằng lại chuỗi cung ứng ngày càng được đẩy nhanh nhằm tránh tập trung vào một số thị trường truyền thống.
Phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, xu hướng tái cấu trúc, định hình và cân bằng lại chuỗi cung ứng có thể mang lại dòng vốn dịch chuyển đầu tư quốc tế lớn vào công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới. Tuy nhiên điều này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với DN khi năng lực sản xuất, quản trị, chất lượng sản phẩm,… chưa thể đáp ứng đúng yêu cầu và các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các tập đoàn, DN lớn đặt ra.
“Ngoài nhu cầu sản xuất nhanh hơn, chi phí thấp hơn, chất lượng tốt hơn, ngày nay sản xuất còn phải đảm bảo có trách nhiệm hơn với môi trường và con người. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với các sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Việt Nam, vốn chủ yếu mang tính chất gia công, giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, chưa tiếp cận được về chuyển đổi số hướng đến sản xuất thông minh”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu vấn đề.
Khẳng định xu hướng chuyển dịch sản xuất và đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng từ sau Covid-19, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam - ông Choi Joo Ho chỉ ra rằng, Việt Nam đang có một số lợi thế bao gồm sự nỗ lực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và tính nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, cũng như nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.
“Đây điều cần thiết trong việc nhân đôi và phát triển hơn nữa những lợi thế của Việt Nam. Đó chính là cơ hội mở rộng sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam với những nỗ lực trung - dài hạn trong tương lai”, ông Choi Joo Ho nhận xét.
Để tăng cường vị thế của các DN Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch theo hướng phát triển cân bằng và bền vững hơn, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế thông qua một chiến lược dài hạn được phối hợp chặt chẽ của nhiều bên liên quan.
Bên cạnh đó, cần giải quyết một số hạn chế về cấu trúc như tăng cường năng lực sản xuất trong nước và các ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ cho phép các DN của Việt Nam ở mọi phân khúc khác nhau của nền kinh tế. Có thể thiết lập mối liên kết chặt chẽ hơn với khu vực FDI, áp dung tiến bộ công nghệ nhanh hơn, thúc đẩy năng suất, trách nhiệm tra soát, tuân thủ và tính minh bạch...
“Việc kết nối và hợp tác đa phương giữa các cơ quan Chính phủ, Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước có liên quan, các DN đầu chuỗi, các DN và tổ chức đại diện, người lao động và tổ chức đại diện của người lao động cùng các bên liên quan khác luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng”, ông Nghĩa nêu rõ.
Với những thành công trong nhiều năm qua tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ, khi Việt Nam đã xác định được tầm quan trọng của việc cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, đó chính là cơ hội để các DN tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu của Samsung. Hiện nay tại Việt Nam, một số sản phẩm (linh kiện) sản xuất trong nước đang đáp ứng những tiêu chuẩn và tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung. Nhưng không dừng lại ở đó, Samsung vẫn đang tiếp tục tìm kiếm sự đa dạng hóa các giao dịch với các DN trong nước ở lĩnh vực công nghệ cao như linh kiện điện tử.
“Samsung vẫn đang tiếp tục mở rộng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của các Việt Nam thông qua các chương trình tìm kiếm các DN tiềm năng trong nước và hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất. Để đạt được mục tiêu này, Samsung phối hợp cùng Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh các hoạt động đa dạng, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam dựa trên những lộ trình trung và dài hạn. Bước đầu bằng việc xây dựng hệ sinh thái chuỗi cung ứng; tăng cường năng lực của con người cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, bằng việc đưa vào vận hành chương trình hỗ trợ xây dựng nhà máy thông minh”, ông Choi Joo Ho cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, phát triển bền vững, sử dụng nguồn lực hiệu quả và trách nhiệm tra soát… đang trở thành xu thế tất yếu của ngành công nghiệp toàn cầu trong giai đoạn tới. Do đó, các DN cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn; giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu… dần hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới.
“Với sự đồng lòng và quyết tâm của Chính phủ, các tổ chức, các hiệp hội và các DN, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam sẽ được phát triển mạnh mẽ, từng bước gia tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, giúp ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng và công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung sẽ phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định./.