Trong ngày 5/1, số liệu từ cơ quan y tế các quốc gia châu Âu cho thấy, ít nhất 5 quốc gia châu Âu đã phá các kỷ lục về số ca mắc COVID-19 trong ngày là Pháp, Italy, Hà Lan, Thụy Điển và Bồ Đào Nha. Trong đó, cao nhất là Pháp với trên 332.000 ca nhiễm, tiếp đến là Italy với gần 190.000.
Tại Anh, mặc dù số ca nhiễm trong ngày 5/1 giảm xuống còn gần 195.000 ca, ít hơn 219.000 ca của ngày 4/1 nhưng số ca tử vong vì COVID-19 tại Anh là 334 ca, cao nhất kể từ đầu tháng 3/2021. Số liệu do Văn phòng thống kê quốc gia Anh công bố cho thấy trong tuần nghỉ lễ cuối cùng của năm 2021, đã có khoảng 3,7 triệu người Anh nhiễm COVID-19. Tính trung bình, cứ 15 người Anh thì có 1 người nhiễm COVID-19. Tại thủ đô London, con số này là 10 người thì có 1 người nhiễm COVID-19.
Phát biểu trước các nghị sĩ Anh chiều 5/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận, dịch COVID-19 đang lây lan với tốc độ nhanh chưa từng thấy: “Chúng ta đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng nhanh chưa từng thấy. Hôm 4/1, nước Anh đã có trên 218.000 ca nhiễm, dù đây là con số báo cáo chưa đầy đủ. Và nguy cơ lớn nhất là số ca nhiễm đang gia tăng rất nhanh trong nhóm những người cao tuổi và dễ tổn thương, như trong độ tuổi trên 60 là cứ sau 1 tuần số ca nhiễm lại tăng gấp đôi và đương nhiên đi cùng với đó là sự gia tăng sức ép lên hệ thống y tế”.
Do xác định không thể ngăn chặn được biến thể Omicron nên chính phủ Anh cũng đã quyết định bãi bỏ quy định xét nghiệm PCR bắt buộc đối với các hành khách nhập cảnh vào Anh. Ngoài ra, từ ngày 11/01, những người nhiễm COVID-19 tại Anh nhưng không có triệu chứng sẽ không cần phải xét nghiệm tiếp bằng phương pháp PCR sau khi đã có kết quả xét nghiệm nhanh.
Cùng lúc này, chính phủ các nước châu Âu đang gấp rút thực thi các biện pháp mới trước sự bùng nổ số ca mắc COVID-19. Tại Italia, ngày trong tối 05/01, chính phủ Italia đã ra quyết định áp dụng quy định tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc với tất cả công dân trên 50 tuổi. Theo tính toán, số người trên 50 tuổi tại Italia hiện nay vào khoảng 28 triệu người. Bảo vệ cho quyết định này, Thủ tướng Italia, ông Mario Draghi cho rằng, những người trên 50 tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước COVID-19 nên chính phủ Italia buộc phải hành động để cứu sống các công dân cũng như bảo vệ hệ thống y tế trước nguy cơ sụp đổ như giai đoạn đầu đại dịch COVID-19 vào tháng 3-4/2020.
Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cũng cho biết, nhằm làm chậm làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra hiện nay, nước Đức cần tiêm thêm ít nhất 15 triệu mũi vaccine tăng cường từ nay đến cuối tháng 01/2022. Tuy nhiên, trước đó chính phủ Đức đã thừa nhận không thể ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 mới và để tránh kịch bản nền kinh tế bị tê liệt khi có quá nhiều lao động nhiễm COVID-19, chính phủ Đức cũng đang chuẩn bị dự thảo mới rút ngắn thời gian cách ly với những người nhiễm COVID-19.
Theo dự thảo luật sẽ được Thủ tướng Đức Olaf Scholz thảo luận cùng lãnh đạo 16 bang tại Đức trong ngày 07/01, thời gian cách ly với người nhiễm COVID-19 tại Đức sẽ rút ngắn từ 14 ngày hiện nay xuống còn 7 ngày nếu có xét nghiệm âm tính. Đối với một số lao động làm việc trong các lĩnh vực trọng yếu như bệnh viện hay dịch vụ công, thời gian cách ly sẽ chỉ còn 5 ngày sau khi có xét nghiệm âm tính. Tại Đức, dù số nhiễm hàng ngày đang ít hơn so với nhiều nước châu Âu khác, với trung bình khoảng 50.000 ca/ngày nhưng số ca nhiễm cũng đã tăng 47% trong 1 tuần qua./.