Theo CDC Hà Nội, ca mắc mới từ 18h ngày 26/12 đến 18h ngày 27/12 Hà Nội ghi nhận 1.948 ca COVID-19, trong đó có 658 ca cộng đồng và 1290 ca trong khu cách ly, phong tỏa. Thành phố tiếp tục đứng đầu cả nước về số lượng F0 mới. Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19.
Sở yêu cầu mỗi cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 sẵn sàng 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 chuyển cấp độ. Việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch yêu cầu tất cả các bệnh viện không được từ chối, đảm bảo người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất, sau khi ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.
Trước tình trạng xuất hiện nhiều ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) đã cho dừng một số loại hình hoạt động kinh doanh, giải trí trên địa bàn từ 12h trưa 27/12. Quy định này được đưa ra liên tiếp phát hiện các ca F0 trên địa bàn với lịch trình di chuyển phức tạp. Trong số này có nhiều trường hợp là nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, trò chơi điện tử...
Tối 27/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến 18h đã ghi nhận thêm 380 ca bệnh khẳng định dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, có 217 ca cộng đồng. Trong các ca cộng đồng này, TP Huế là địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều nhất với 95 ca. Đáng chú ý, trong ngày 27/12, tất cả các huyện thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đều ghi nhận các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, bệnh COVID-19 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trong 24 giờ qua, địa phương ghi nhận 155 ca mắc mới (đang chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân), trong đó có 9 ca trong cộng đồng. Số ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm, số ca mắc mới chủ yếu trong các khu vực cách ly. Dù ca mắc mới có chiều hướng giảm nhưng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đề nghị các ngành, các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác mà phải dự báo đúng tình hình để có kế hoạch, phương án ứng phó phù hợp theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.
Chiều 27/12, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến nay TP.HCM đã tiêm được hơn 15,4 triệu liều vaccine, trong đó có 133.000 mũi bổ sung, hơn 367.000 mũi nhắc lại. Trong thời gian tới, dựa vào số liệu báo cáo của các quận, huyện, Sở Y tế TP sẽ thống kê, tính toán và đẩy nhanh tiến độ tiêm ngừa vaccine, phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022.
Trước những diễn biến còn phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường biện pháp giám sát, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch. Người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Đại diện Bộ Y tế cũng yêu cầu khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể, thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 lưu động ngay tại nhà, không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; đến ngày 31/12 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022./.