Liên quan đến việc đề ôn tập môn Sinh của thầy giáo Phan Khắc Nghệ (trường THPT chuyên Hà Tĩnh) giống đề thi chính thức và đề thô xuất từ máy tính của Ban ra đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học trên 90%, ngày 23/12, Bộ GD-ĐT đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, thông qua công tác quản lý, giám sát của Bộ GD-ĐT cũng như nắm bắt các thông tin, ý kiến từ dư luận, Bộ GD-ĐT đã ghi nhận yếu tố không bình thường liên quan đến việc luyện thi và đề thi môn Sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Tháng 8/2021, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo kiểm tra, phối hợp cùng cơ quan công an thành lập tổ công tác liên ngành để xác minh, làm rõ các yếu tố liên quan đến sự trùng lặp giữa nội dung ôn thi môn Sinh học của một giáo viên ở Hà Tĩnh với đề thi tốt nghiệp THPT môn này.
Hiện nay Bộ GD-ĐT đang xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định. Mặt khác. Bộ đã và đang chỉ đạo triển khai việc rà soát, điều chỉnh các khâu có liên quan tới kỳ thi, đặc biệt là khâu đề thi để đảm bảo việc tổ chức thi thời gian tới được chặt chẽ nhất.
Trả lời này của Bộ GD-ĐT được đưa ra sau 5 tháng kể từ phát ngôn vào tháng 7/2021 rằng sẽ xác minh làm rõ sự việc và sau hàng loạt phản ánh của báo chí những ngày gần đây. Tuy nhiên, nội dung Bộ GD-ĐT đưa ra vẫn khiến dư luận đặt ra hàng loạt các câu hỏi.
Trao đổi với VOV.VN, thầy Phan Khắc Nghệ nói rằng mình không nhận được bất cứ thông tin nào từ Bộ GD-ĐT liên quan đến đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học. Ông khẳng định mình không làm gì "khuất tất", song kết quả thẩm định được ghi trong biên bản của tổ chuyên gia lại chỉ rõ sự giống nhau đến bất thường giữa nội dung ôn tập của thầy Nghệ và đề thi chính thức cũng như đề thi thô của Bộ. Câu hỏi có hay không sự gian lận thi cử, làm lộ đề, mối quan hệ giữa ban ra đề thi tốt nghiệp THPT và thầy Phan Khắc Nghệ như thế nào đã được dư luận, báo chí đặt ra, song đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa có thông tin rõ ràng.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho rằng, câu trả lời của Bộ vẫn mang tính chất chung chung, né tránh: “Đứng trước một sự cố lớn, đáng ra Bộ GD-ĐT nên có thái độ cầu thị, chân thành, thẳng thắn, dám chịu trách nhiệm, thậm chí là đứng ra xin lỗi dư luận. Tại sao trong nhiều tháng liền, đến nay Bộ mới lên tiếng?"
"Những sai phạm trong giáo dục cũng giống như dịch bệnh, nếu cố bao che, không tìm thuốc chữa thì sẽ càng lan rộng, hoặc cố tình giấu giếm, thuốc chữa không đủ liều, cũng thành nhờn thuốc. Bài học từ gian lận thi cử năm 2018 vẫn còn nhãn tiền, đề thi tốt nghiệp được xếp vào danh mục bí mật nhà nước, do đó, Bộ GD-ĐT cần nghiêm túc xem xét lại các cá nhân, tổ chức có liên quan để có biện pháp xử lý đủ mạnh, không thể chờ đến khi công luận lên tiếng mới nói tôi đang xem xét. Bất cứ ai cũng có khuyết điểm, quan trọng là dám nhìn nhận thẳng thắn, nhận khuyết điểm và đưa ra hướng sửa chữa” - ông Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng, trả lời của Bộ GD-ĐT về vấn đề này chưa thuyết phục. “Phải chăng Bộ chưa làm đến cùng nên chưa thể trả lời nhiều hơn, nhưng chắc chắn sự việc này cần được làm sáng tỏ, công khai, minh bạch”
Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, theo TS Lê Viết Khuyến, rất khó để có sự trùng khớp một cách ngẫu nhiên lên đến trên 90% ở một đề thi trắc nghiệm. Dù nguyên nhân do đề thi bị lộ, hay do thành viên nào đó trong ban ra đề đã cẩu thả dùng chính những đề có sẵn của giáo viên để đưa vào ngân hàng đề thi thì cũng cần làm rõ. TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, nếu quy trình làm đề thi thực hiện đúng quy trình, nghiêm túc thì sẽ không xảy ra tình trạng này.
Theo dõi nội dung trả lời trên báo chí của Bộ GD-ĐT, bà Phạm Thị Minh Hiền - Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, Bộ đã lên tiếng, nhưng thời điểm này vẫn là chậm trễ. “Xã hội mong đợi câu trả lời cụ thể hơn thế, Bộ đang nói những điều ai cũng biết, cần xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan, nhưng xem xét ở mức độ nào, tới đâu thì chưa thấy Bộ nói đến. Trong sự việc này, Bộ cần khẳng định rõ quan điểm, cũng như nhận thức về mức độ nghiêm trọng của sự việc, tuy nhiên trong toàn bộ nội dung Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trả lời trên báo chí chưa có câu nào cho rằng đây là sự việc có tính chất nghiêm trọng.
Cách trả lời của Bộ GD-ĐT chỉ có thể xoa dịu dư luận hiện tại nhưng lại không thể hiện tính quyết liệt và tinh thần chỉ đạo của Bộ trong chống tiêu cực, gian lận. Dù lộ đề hay không, Bộ cũng cần trả lời rõ ràng. Tôi hy vọng Bộ GD-ĐT có lý do nào đó chính đáng để trả lời cho câu hỏi vì sao lại xử lý chậm trễ. Và tôi cũng rất mong báo chí sẽ gửi đến Bộ trưởng câu hỏi này và được Bộ trưởng trả lời nhanh chóng. Bởi hơn ai hết, Bộ trưởng sẽ hiểu được những hệ lụy từ tiêu cực của ngành mình đang quản lý”.
Dưới góc nhìn cá nhân, bà Phạm Thị Minh Hiền cho rằng việc Bộ GD-ĐT chậm lên tiếng về vấn đề này đã bắt đầu gây ra hệ lụy khi tạo ra sự nghi ngờ lớn trong dư luận xã hội cũng như nội bộ đội ngũ nhà giáo khi chính họ là người kiến nghị xem xét về những dấu hiệu bất thường của đề thi.
“Một khi để chính lực lượng này mất đi niềm tin với công việc, nghề nghiệp của mình, thì đó thực sự là một bi kịch, thất bại trong quản lý giáo dục. Nếu Bộ trưởng đề cao việc học thật và thi thật, thì trước hết Bộ trưởng cần trả lời thẳng và trả lời thật rằng đây có phải là hành vi cấu kết làm lộ lọt đề thi hay không. Và nếu giả định này là sự thật, thì Bộ trưởng thấy trách nhiệm của mình tới đâu trong vụ việc nghiêm trọng này", bà Hiền đặt vấn đề./.