Theo mô hình thành phố thông minh Eindhoven của Hà Lan
Để triển khai xây dựng thành phố thông minh, từ năm 2015, tỉnh Bình Dương đã hợp tác với thành phố Eindhoven - Hà Lan để triển khai ý tưởng phát triển kinh tế xã hội theo mô hình hợp tác trên nền tảng mô hình 3 nhà, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Mô hình 3 nhà được xem là chìa khóa cho sự đổi mới và phát triển trong nền kinh tế trí thức và xã hội tri thức. Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp dù có vai trò riêng nhưng đều có sự tương tác, cộng gộp trong mối liên kết 3 nhà.
Từ mối liên kết này, Bình Dương đang hướng đến xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, xanh, sạch và thân thiện môi trường. Đồng thời, Bình Dương tập trung cải cách hành chính toàn diện, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bình Dương đã và đang phát triển hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại hội nghị xây dựng thành phố thông minh Bình Dương ngày 27/11, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Đề án thành phố thông minh được UBND tỉnh Bình Dương chính thức phê duyệt vào tháng 11/2016 là một chương trình chiến lược đột phá kinh tế xã hội của Bình Dương đến năm 2021, hướng đến phát triển một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, sản xuất công nghệ cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh và tạo tiền đề tiến lên nền kinh tế tri thức. Đây là một chương trình hướng dẫn cụ thể cho việc triển khai đề án thành phố thông minh Bình Dương, xác định và phân công cụ thể từng chương trình hành động cần thiết trong các lĩnh vực. Trong đó, con người là yếu tố trọng tâm của đề án này.
Lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm
Khác với cách tiếp cận thông thường về thành phố thông minh thuần túy của các thành phố trong nước là tập trung vào việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến để giải quyết một số thách thức của thành phố, Bình Dương nhấn mạnh tầm nhìn tạo đột phá đổi mới toàn diện, trong đó lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đề án xây dựng thành phố thông minh tại Bình Dương không những đáp ứng 6 bộ tiêu chí chung của ICF trong việc triển khai thành phố thông minh mà nền tảng xây dựng vẫn là yếu tố con người, nguồn nhân lực cho thành phố là vấn đề trọng tâm được đặt ra. Do đó, yếu tố liên kết, hỗ trợ giữa Nhà nước - Nhà DN - Nhà khoa học (nhà trường) nhằm đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn, phù hợp với yêu cầu phát triển cho thành phố trong tương lai.
Bình Dương, xây dựng thành phố thông minh theo hướng mở là phát triển doanh nghiệp, phát triển con người, phát triển cơ sở hạ tầng. Với cách tiếp cận này, Bình Dương đã đề ra nhiều hoạt động cụ thể. Trong năm 2018, Bình Dương sẽ triển khai 18 hoạt động, ứng dụng công nghệ, kết hợp mô hình “3 nhà”, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận nhiều hơn với khoa học công nghệ.
Trước đó, để phục vụ đề án thành phố thông minh, tỉnh Bình Dương đã tập trung nguồn lực để phát triển, như Trung tâm dữ liệu (Data Center) đạt chuẩn quốc tế nhằm tối ưu hóa sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch trong cung cách phục vụ của chính quyền. Ngoài ra, hệ thống điện, mạng viễn thông cũng đang được đầu tư nâng cấp; hệ thống xe buýt được vận hành với công nghệ quản lý thông minh…, cùng nhiều đề án khác cũng đang được gấp rút triển khai.
Viết Sáng