Đại dịch Covid-19 kéo dài, các dự án bất động sản tắc nghẽn, nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản, nhất là các DN môi giới đã đuối sức, phải tìm cách "thoát thân" bằng việc áp dụng công nghệ, bán hàng online, livestream…
Đóng cửa, nghỉ việc
Tổng giám đốc một công ty bất động sản tại TP HCM cho biết mấy tháng nay công ty ông gần như bỏ luôn mảng môi giới, một trong những mảng mang lại nguồn thu chính vì không cầm cự nổi. Gần 100 nhân sự lần lượt được cho nghỉ việc tạm thời, bởi nếu không "giải tán" cũng không có việc cho họ làm. Còn lại mảng xây dựng cũng đang hoạt động cầm chừng.
"Bỏ hết thì tiếc vì thương hiệu công ty đã gầy dựng nhiều năm, còn nếu cầm cự thì không biết khi nào mới ổn. Chúng tôi đang bán tài sản với giá rẻ để trang trải chờ hết dịch" - vị giám đốc công ty này chia sẻ.
Giãn cách xã hội do dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp bất động sản và môi giới không thể tổ chức sự kiện mở bán rầm rộ như trước .Ảnh: TẤN THẠNH
Tương tự, công ty bất động sản L. - chuyên môi giới phân khúc cấp cao, nghỉ dưỡng - cũng đang phải gồng lỗ, cố gắng trả lương cơ bản cho nhân viên để chờ lúc thị trường ổn định thì hoạt động trở lại. Tuy nhiên, theo lãnh đạo DN này, nếu khó khăn vẫn kéo dài thì chắc chắn công ty sẽ phá sản bởi không có nguồn thu để trang trải cho chi phí cố định mỗi tháng cả tỉ đồng, chưa kể còn thêm các khoản nợ ngân hàng.
"Các DN môi giới hiện nay không chỉ khó khăn do dịch mà còn bị các chủ đầu tư chèn ép, không có sản phẩm để bán… Làm môi giới bị thiệt thòi nhiều thứ mà không dám than, không dám kêu vì sợ mất uy tín, thương hiệu với khách hàng" - tổng giám đốc công ty này than thở.
Trong khi đó, nhiều nhân viên môi giới bất động sản không có việc làm đã chuyển sang các công việc khác như bán hàng online, làm shipper, môi giới tự do để kiếm sống trong những ngày dịch bệnh. Bảo Trân, nhân viên giỏi tại một công ty chuyên môi giới bất động sản có trụ sở ở quận 3 (TP HCM), đã tạm ngừng việc gần 2 tháng qua. Mỗi tháng công ty chỉ trả lương tượng trưng vài triệu đồng nên cuộc sống của chị khá chật vật.
"Tôi đang trả góp một căn hộ ở TP Thủ Đức mỗi tháng 20 triệu đồng. Trước đây, với thu nhập mỗi tháng ít nhất cũng 50 triệu đồng thì không thành vấn đề nhưng bây giờ công ty khó khăn, thị trường không có sản phẩm bán, tôi phải xin ngân hàng giãn nợ mà không được. Nếu khó khăn quá, tôi buộc phải bán nhà mới mong sống được" - Bảo Trân buồn rầu.
Thay đổi để tồn tại
Trong thế khó, nhiều môi giới bất động sản đã học hỏi cách thức của những người bán hàng online, tận dụng các nền tảng công nghệ như livestream, YouTube, TikTok, Zalo, Facebook… để tiếp cận khách hàng, tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh không bị ngắt quãng, thậm chí có người đã bán được căn hộ, đất nền… qua các kênh online này.
Ngay cả các công ty môi giới cũng hướng tới phát triển những kênh tư vấn online để tránh bớt tác động của dịch bệnh. Cụ thể, một đơn vị phân phối bất động sản lớn ở khu vực miền Bắc mới đây đã bổ sung hình thức talk show trực tuyến để tư vấn, cập nhật thông tin về dự án và thị trường địa ốc, bên cạnh hình thức bán hàng trực tiếp. DN lập hẳn một phòng ghi hình riêng với đầy đủ các thiết bị như máy quay phim, mixer, đèn chiếu sáng… để phục vụ cho hoạt động giao lưu trực tuyến với khách hàng trên Facebook và YouTube.
Công ty DKRA Vietnam cho biết vừa triển khai giới thiệu, bán hàng trên Fanpage của dự án Astral City (Bình Dương), thu hút tới hơn 2.000 lượt khách tham gia. Ngay trong buổi mở bán, đã có hơn 80 sản phẩm được khách hàng đặt mua. Hay Tập đoàn Novaland cũng cho hay trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi, DN này đã nhanh chóng kích hoạt các phương án ứng phó tình huống khẩn cấp để bảo đảm hoạt động của công ty không bị gián đoạn. Trong đó, hoạt động tư vấn, kinh doanh online được công ty đẩy mạnh, nhờ vậy các dự án lớn của Novaland như Aqua City, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm vẫn được khách hàng quan tâm, tìm hiểu.
Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư Nam Long đang chuẩn bị tung ra thị trường 2 dự án bất động sản quy mô lớn qua hình thức online, gồm: dự án căn hộ trung bình - Ehome Southgate nằm ngay cửa ngõ vào khu đô thị Waterpoint (tỉnh Long An) rộng 355 ha và dự án nhà ở thấp tầng Izumi City (tên cũ là dự án Waterfront ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Hai dự án khá "hot" vì thuộc phân khúc nhà ở vừa túi tiền và có vị trí khá gần TP HCM.
Theo đó, công ty sẽ tung sản phẩm qua hình thức VR Tour Sale Gallery (thực tế ảo), là sự kết hợp của công nghệ 360 panorama và scan 3D matterport. Khách hàng tham gia sự kiện qua điện thoại hoặc máy tính nhưng vẫn cảm nhận được toàn cảnh như tham quan một dự án thực tế.
Theo ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty DKRA Vietnam, trong lúc dịch bệnh đang phức tạp, nhiều tỉnh - thành giãn cách xã hội, các chủ đầu tư có dự án lớn cũng như các DN môi giới buộc phải tìm mọi cách để xoay trở, nếu không sẽ khó duy trì được hoạt động, thậm chí phá sản.
"Thực tế, trong giai đoạn giãn cách, lượng khách hàng tham gia tương tác còn cao hơn bình thường, bởi nhiều người có thể dễ dàng ngồi nhà xem thông tin dự án online, tìm hiểu dự án qua YouTube, TikTok hoặc các buổi livestream của nhân viên tư vấn, bán hàng… Việc thay đổi tư duy, tầm nhìn của lãnh đạo DN trong thời gian này rất quan trọng, nó cho thấy khả năng thích ứng và bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của DN" - ông Lâm chia sẻ.
Hàng loạt tên tuổi khác trong ngành như Tập đoàn Hưng Thịnh, Sunshine Group, Vinhomes, Đất Xanh Services... cũng đã tung ra các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản để tiếp thị, giao dịch sản phẩm, thậm chí ra mắt sàn thương mại điện tử để kinh doanh các sản phẩm bất động sản.
Với những ứng dụng này, các DN có thể chủ động thiết lập thông tin dự án, chính sách kinh doanh, cách thức và lộ trình bán hàng. Quá trình đặt mua, chuyển tiền đặt cọc, ký kết hợp đồng, đối chiếu và trả phí đều được số hóa một cách nhanh gọn, linh hoạt và bảo mật.