Ngày 30-11, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Diễn đàn Du lịch toàn quốc "Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam" theo hình thức trực tuyến tại 26 điểm cầu trên toàn quốc, với sự tham gia của các cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố.
"Bước ngoặt mới" cho ngành du lịch
Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết đã có 3/5 địa phương thực hiện đón khách quốc tế trở lại trong tháng 11. Cụ thể, Quảng Nam đã đón 3 chuyến bay với 159 khách trong 2 ngày 17 và 18-11, Phú Quốc (Kiên Giang)đón 202 khách Hàn Quốc ngày 20-11, Khánh Hòa đã đón 617 khách ngày 25-11. Dự kiến, đến hết năm 2021, Khánh Hòa sẽ đón khoảng 9.400 lượt khách quốc tế, Đà Nẵng đón 11.500 lượt... Cũng trong tháng 11, một số địa phương đón khách du lịch nội địa tăng hơn so với tháng trước như Khánh Hòa 522.000 lượt, Hà Nội 300.000 lượt, Lạng Sơn 300.000 lượt, Quảng Ninh 170.000 lượt, Lào Cai 55.450 lượt...
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng việc Việt Nam bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế đã "mở ra bước ngoặt mới" cho ngành du lịch và các doanh nghiệp (DN). "Trong bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn mới, bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế, các DN cần phải chuẩn bị để chuyển sang trạng thái mới, từ nghiệp vụ đến kiến thức và nhận thức" - ông Bình nhấn mạnh.
Du khách tham gia tour Tinh hoa Tràng An, đạp xe khám phá Hà Nội cuối tháng 11-2021. Ảnh: NGHĨA PHẠM
Tuy nhiên, theo Tổng cục Du lịch, việc thí điểm đón khách quốc tế còn gặp không ít khó khăn. Như việc đón khách du lịch quốc tế thông qua đường bộ và đường biển chưa có hướng dẫn. Một lực lượng lớn lao động trong ngành du lịch đã dịch chuyển sang ngành khác dẫn tới việc thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành du lịch, đặc biệt là lực lượng lao động có tay nghề cao. Thêm nữa, cả thế giới đang phải đối mặt với biến thể mới (Omicron), cũng là một trong những thách thức không nhỏ đối với việc thí điểm mở cửa lại thị trường khách quốc tế.
Trao đổi khách với một số quốc gia
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, để nắm bắt các cơ hội cho phục hồi ngành du lịch, tất cả cùng chung tay tìm kiếm những giải pháp theo phương châm "Du lịch an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn". Đối với thị trường nội địa, trước hết mở cửa cho các hoạt động phục vụ khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho các hoạt động du lịch, đồng thời có những biện pháp xử lý sự cố y tế phát sinh. Tiến tới trao đổi khách giữa các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 và mở rộng hoạt động du lịch nội địa. Đối với thị trường quốc tế, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để tiếp tục việc triển khai kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế; từng bước mở rộng ra nhiều địa phương, điểm đến, bảo đảm các phương án phòng chống dịch, đón khách du lịch an toàn.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours, đưa ra 8 giải pháp để hoạt động kinh doanh du lịch thích ứng với điều kiện mới. Trước tiên và trên hết, ngành du lịch cần tuân thủ và đề cao yếu tố an toàn, tạo sự linh hoạt trong cung ứng và tổ chức dịch vụ, đề cao tính chủ động của khách hàng trong việc tạo sản phẩm du lịch, thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự kinh doanh của DN du lịch, thu gọn quy trình cung cấp sản phẩm du lịch và tập trung vào dịch vụ đầu cuối...
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ, kiến nghị cần nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo khôi phục và phát triển du lịch cấp quốc gia, gồm Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan, ban ngành có liên quan để chỉ đạo, xây dựng và triển khai chương trình hành động nhằm khôi phục ngành du lịch trong nước và quốc tế. Theo đó, đối với thị trường quốc tế, cần thiết lập mối quan hệ với một số quốc gia để trao đổi khách nhằm tiếp cận trực tiếp thị trường khách cũng như giảm thiểu chi phí. Hiện tại, Thái Lan đã thỏa thuận với hơn 30 quốc gia để trao đổi khách, Singapore thỏa thuận với hơn 10 nước. "Việt Nam có thể thiết lập mối quan hệ với Singapore làm thí điểm, sau đó đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan nhằm tận dụng hiệu ứng chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại Nhật Bản vào cuối tháng 11-2021" - ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh đến tăng cường chuyển đổi số trong ngành du lịch. Các DN cần chủ động điều chỉnh sản phẩm, xây dựng sản phẩm mới và làm mới các sản phẩm cũ để đáp ứng nhu cầu thay đổi của du khách trong bối cảnh sống chung an toàn với Covid-19. Phát huy vai trò của các liên minh, liên kết giữa các điểm đến, DN, hàng không, khách sạn... nhằm xây dựng các chương trình, gói sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn.
Đặt tour trên sàn thương mại điện tử
Ngày 30-11, Sở Du lịch TP HCM cho biết toàn bộ sản phẩm và dịch vụ du lịch nội địa đã chính thức được mở bán trên "Sàn giao dịch du lịch điện tử" của Shopee.
Người dùng chỉ cần chọn sản phẩm, đặt mua với hình thức trả trước qua ShopeePay hoặc thẻ tín dụng/ghi nợ, sau đó voucher du lịch sẽ được nhà bán gửi trực tiếp cho khách qua tính năng Shopee Chat thuộc ứng dụng mua sắm Shopee.
Đây là một trong những giải pháp hưởng ứng Ngày hội Du lịch TP HCM năm 2021 lần thứ 17 do Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP HCM hợp tác cùng Shopee Việt Nam triển khai, với tên gọi dự án "Sàn giao dịch du lịch điện tử".
Tổng cộng 10.000 voucher giảm giá cũng sẽ được tung ra dịp này và áp dụng trực tiếp khi mua sản phẩm và dịch vụ du lịch có giá trị bất kỳ.
Liên quan đến Ngày hội Du lịch TP HCM, số liệu của Sở Du lịch TP HCM cho thấy đến nay, đã có hơn 112 đơn vị đăng ký tham gia, trong đó có 20 DN du lịch; 29 khách sạn; 6 DN vận tải, dịch vụ; 12 DN điểm tham quan và dịch vụ du lịch; 7 DN làm hàng lưu niệm và 38 cơ quan xúc tiến du lịch tỉnh, thành.
T.Phương